[ThaiHaBooks] Đọc vị người khác cũng giống như đọc một cuốn sách thi thoảng lại có một vài đoạn viết bằng tiếng nước ngoài. Khi tương tác với đối phương, chúng ta thường tưởng rằng mình hiểu họ đang nghĩ gì. Song trên thực tế, họ lại thực hiện những việc khác hẳn, khiến chúng ta thấy rối trí và tổn thương.
Một số vết rạn nứt trong giao tiếp như vậy xảy ra do đối phương cố tình lừa gạt chúng ta. Nhưng lý do chủ yếu là vì người đó không biết chính họ đang nghĩ gì hoặc tại sao họ lại thực hiện một hành động nhất định. Đây chính là lúc chúng ta nhận ra sự hữu ích của việc tìm hiểu về thứ ngôn ngữ thể hiện qua cơ thể, nét mặt, và đôi khi cả những hành vi tưởng chừng rất phi lý.
Đọc thấu tâm can là cuốn sách giúp bạn tìm hiểu về ngôn ngữ đó. Thông qua những dấu hiệu trên cơ thể một người, bạn sẽ thấy được những trải nghiệm sống của họ. Ngoài ra, sau khi phân tích nét mặt hay cử chỉ, bạn sẽ thấu hiểu cảm xúc và ý định thực sự của đối phương. Cuốn sách cũng trình bày một số cơ chế tâm lý và sinh học tác động đến con người, khiến họ có những cách hành xử phức tạp.
Hầu hết các cơ chế này đều hoạt động dưới dạng tiềm thức. Thực ra, phần lớn những gì chúng ta nghĩ và làm đều thuộc về tiềm thức. Có lẽ từ kinh nghiệm cá nhân, chúng ta đều biết rằng mình có thể thực hiện một số việc tương đối phức tạp – chẳng hạn lái xe về nhà hay ngân nga một bài hát quen thuộc – trong vô thức. Những nghiên cứu gần đây về tiềm thức cho thấy nó còn có khả năng vạch ra những kế hoạch phức tạp và dài hạn, sau đó tự triển khai chúng, mặc dù chủ thể không nhận thức được điều đó. Trong một nghiên cứu, một nhóm người tham gia được thông báo (theo cách khiến họ không nhận ra mình vừa biết được thông tin) về cách hợp tác trước khi tham gia vào một trò chơi tương tác phức tạp và kéo dài. Kết quả, nhóm này lại hợp tác tốt hơn nhóm không được thông báo về việc phải phối hợp khi chơi.
Khả năng phân biệt giữa bạn và thù đã giúp loài người sống sót trong buổi đầu của lịch sử, chúng ta đánh giá về người khác trước cả khi thấu hiểu họ. Khi tìm hiểu về lý do và cách thức hiện tượng này xảy ra, chúng ta có thể học được cách sử dụng bản năng này mà không lạm dụng nó. Việc nắm rõ những bài học này càng trở nên thiết yếu khi con người tập hợp lại thành một nhóm hoặc đám đông, đặc biệt là trong những tình huống cực đoan, khi tâm lý nhóm hoặc tâm lý bầy đàn thống trị.
Cuốn Đọc thấu tâm can không nhằm giải thích đầy đủ và tường tận về hành vi của con người (thực ra, đây là nhiệm vụ bất khả thi), nhưng sẽ cung cấp một loạt các công cụ giúp bạn tự tìm ra lời giải cho riêng mình. Việc đọc vị người khác bao giờ cũng đòi hỏi tinh thần cẩn trọng, nhưng khi tốc độ giao tiếp trong thế giới hiện đại ngày càng nhanh hơn, thì các công cụ được bàn đến trong cuốn sách này cũng ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Tác giả: Rita Carter là một tác giả chuyên viết về đề tài khoa học và y học với nhiều giải thưởng danh giá, ngoài ra bà còn là giảng viên và người dẫn chương trình chuyên về các đề tài liên quan đến não bộ con người: nó làm gì, nó vận hành như thế nào, và vì sao. Bà là tác giả của cuốn sách Mind Mapping (tạm dịch: Sơ đồ tư duy), và là người dẫn chương trình của một series các bài giảng về khoa học thường thức cho khán giả đại trà. Rita hiện đang sống ở Vương quốc Anh.
MỤC LỤC:
ĐỐI MẶT
- Ấn tượng đầu tiên
- Cấu trúc của khuôn mặt nói lên điều gì?
- Tất cả ở đôi mắt
- Các dấu hiệu
Bộ công cụ
Tham khảo
CẢM XÚC VÀ CÁC SẮC THÁI BIỂU CẢM
- Những sắc thái biểu cảm lớn
- Những sắc thái biểu cảm nhỏ truyền tải nhiều thông tin nhất
- Ngôn ngữ cơ thể
- Thể hiện bản thân
Bộ công cụ
Tham khảo
TÍNH CÁCH VÀ BẢN CHẤT CỦA CON NGƯỜI
- Xác định bản chất của con người
- Các loại tính cách và thành kiến
- Tính cách hình thành như thế nào?
- Đọc tâm trí người khác
Bộ công cụ
Tham khảo
GIAO TIẾP VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG
- Những cuộc trao đổi
- Bản năng và sự ảnh hưởng
- Sự tự tin
- Người có tầm ảnh hưởng
Bộ công cụ
Tham khảo
THẤU HIỂU XÃ HỘI
- Nhóm
- Gia đình
- Tư duy nhóm
- Đám đông
Bộ công cụ
Tham khảo
Lời bạt
Trích đoạn sách:
TẤT CẢ Ở ĐÔI MẮT
Khi nhìn thẳng vào mắt một người, nghĩa là bạn đang nhìn vào não họ. Nhãn cầu của chúng ta là phần bên ngoài của mô thần kinh kéo dài đến tận phía sau đầu. Cách nói này xem ra không lãng mạn lắm, nhưng nó giải thích vì sao chúng ta lại bị thu hút mạnh mẽ đến vậy khi nhìn vào mắt người khác, và vì sao giao tiếp bằng mắt lại có sức mạnh lớn như thế. Khi chúng ta nhận thấy sự thay đổi trong mắt của người khác, trong não họ cũng có sự thay đổi – không thể che giấu được điều này.
Có thể chúng ta không nhận thức được, nhưng khi nhìn vào mắt người khác, chúng ta cũng đồng thời phân tích để tìm kiếm những sự thay đổi nhỏ trong kích thước của đồng tử và hướng nhìn của mắt – hay trong các cơ xung quanh mắt. Đó là một số dấu hiệu mạnh mẽ nhất đến từ đôi mắt con người – và chúng ta sẽ bàn chi tiết hơn về vấn đề này ở chương tiếp theo.
Bài học số 3 này bàn về một hiện tượng ít được biết đến hơn – mối liên kết giữa hành vi với màu sắc, cấu trúc và các đặc điểm tĩnh khác của mắt. Cấu trúc của mắt phần nào chịu ảnh hưởng từ gen; thực ra, gen cũng định hình nên cấu trúc giải phẫu của các bộ phận khác trong não bộ. Một ví dụ là gen Pax6, hỗ trợ việc phát triển mô ở mống mắt và vùng vòng cung vỏ não. Đây là một khu vực quan trọng trong não bởi nó đóng vai trò vùng đệm giữa hệ viền ở sâu bên trong – nơi tạo ra cảm xúc – với vùng vỏ não trước trán – nơi xử lý những cảm xúc đó và đưa ra phản xạ có lý trí. Tùy thuộc vào cách phát triển của vùng vòng cung vỏ não, nó sẽ kích thích chúng ta hoặc nắm lấy và theo đuổi những thứ mình gặp được ở môi trường bên ngoài (các hành vi liên quan đến sự tiếp cận) hoặc che giấu hay chạy trốn khỏi chúng.
Mô dày ở phần vòng cung bên trái sẽ kích thích hành vi định hướng tiếp cận – chủ thể thường sẽ tìm đến những người khác, đồng cảm, tin tưởng, và nhìn chung là quý mến họ. Sự phát triển của mô mỏng ở khu vực đó sẽ hạn chế hành vi định hướng tiếp cận và khuyến khích phản xạ bộc phát “chống trả-hay-bỏ chạy”.
MÀU MẮT
Những mối liên kết tương tự giữa mắt, gen và não được cho là tác nhân dẫn đến nhiều mối tương quan khác nhau giữa màu mắt và hành vi. Melanin là sắc tố khiến mắt có màu tối, và các gen đẩy mạnh sắc tố này cũng hoạt động trong não bộ, giúp tạo nên lớp vỏ cách điện cho phép những tín hiệu điện truyền qua lại giữa các neuron. Khả năng cách điện tốt khiến quá trình xử lý thông tin nhanh chóng và chính xác hơn. Điều này có thể giải thích cho hàng loạt mối tương quan giữa mắt tối màu và tính cách.
Mắt màu nâu hoặc màu hạt dẻ. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Pittsburgh phát hiện ra rằng những người có mắt màu nâu hoặc màu hạt dẻ cảm thấy đau hơn trong quá trình sinh nở và dễ mắc hội chứng trầm cảm hoặc lo âu sau sinh hơn so với phụ nữ có mắt màu xanh lơ
Mắt tối màu. Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng những người có mắt tối màu thường dễ say rượu hơn, và do đó, ít có khả năng nghiện rượu.
Những người có mắt tối màu thường phản ứng nhanh hơn, và có một số bằng chứng cho thấy họ cũng suy nghĩ nhanh hơn so với những người có mắt sáng màu, dù không sâu sắc bằng.
Một nghiên cứu về quan niệm của mọi người đối với mối liên kết giữa màu mắt và hành vi phát hiện ra rằng: những người có mắt tối màu được cho là có tính cách thích lấn át người khác hơn so với những người có mắt sáng màu.
Mặc dù có bằng chứng và cơ sở lý luận để xác nhận mối liên kết giữa mắt và hành vi, chúng ta vẫn phải vô cùng thận trọng về chuyện này. Tính cách con người do rất nhiều yếu tố khác nhau quyết định, và hầu hết trong số đó cho đến nay chúng ta vẫn chưa hiểu rõ.
Sự kế thừa gen chắc chắn là một yếu tố như vậy, nhưng môi trường có thể làm méo mó hay thậm chí đảo ngược tính cách “tự nhiên” của một cá nhân. Trước cả khi mỗi người ra đời, môi trường xung quanh đã tác động đến sự phát triển của chúng ta – những cặp song sinh sẽ luôn có sự khác biệt nhỏ lúc mới sinh ra chỉ bởi chúng nằm ở hai vùng khác nhau trong tử cung của người mẹ
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!