[ThaiHaBooks] Khi bắt đầu viết những dòng đầu tiên của cuốn sách, nhóm tác giả đã chủ đích sử dụng lý thuyết của Edgar Henry Schein – một giáo sư nổi tiếng của Mỹ chuyên nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp – để khám phá và phân tích về văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam. Nếu Schein nghiên cứu văn hóa của Digital Equipment Corporation (DEC), một công ty về công nghệ thông tin đã từng rất nổi tiếng tại Mỹ để minh họa cho các khái niệm của ông thì nhóm tác giả lại hứng thú khám phá văn hóa FPT – một tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu tại Việt Nam – để củng cố các luận điểm của mình về văn hóa doanh nghiệp.
Để thực hiện cuốn sách, nhóm tác giả đã tham khảo, nghiên cứu hàng ngàn trang viết về thực tiễn cuộc sống, văn hóa của FPT thông qua các cuốn sử ký, lược sử, nội san… do chính người FPT ghi chép lại trong hơn 30 năm qua. Đặc biệt, họ đã tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ, phỏng vấn, trò chuyện với các nhân chứng sống, là các sáng lập viên, lãnh đạo các cấp, những người có ảnh hưởng quan trọng trong quá trình hình thành văn hóa FPT.
Và khá bất ngờ, trong quá trình nghiên cứu, họ khám phá được nhiều sự kiện, câu chuyện, bối cảnh lịch sử chưa từng được “phát lộ” trong FPT, thậm chí được giữ kín suốt 1/3 thế kỷ. Khá nhiều khía cạnh văn hóa FPT đã được tường minh thông qua các “thâm cung bí sử” này. Từ đó, nhóm tác giả có mong muốn sản phẩm của mình sẽ là một cuốn sách chuẩn mực, có giá trị đối với những ai quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam. Và như một ngầm định nào đó, họ quyết định đặt tên cho cuốn sách này là “FPT bí lục”.
Mục lục
Phần I: Mô hình văn hoá doanh nghiệp của Edgar Schein
Chương 1. Định nghĩa, cấu trúc và tính chất của văn hoá doanh nghiệp
Chương 2. ảnh hưởng của văn hoá vĩ mô lên văn hoá doanh nghiệp
Chương 3. Mối quan hệ biện chứng giữa văn hoá và lãnh đạo
Chương 4. Sự tiến hoá của văn hoá
Phần II: Văn hoá FPT đã hình thành như thế nào?
Chương 5. Chân dung lãnh đạo FPT
Chương 6. Các giai đoạn hình thành văn hoá FPT
Chương 7. Văn hoá xuất phát từ nhu cầu cạnh tranh và gắn kết của tổ chức
Chương 8. Lãnh đạo FPT đã “áp đặt” văn hoá thế nào?
Phần III: Sự tiến hoá của văn hoá FPT
Chương 9. Sự tiến hoá của văn hoá FPT
Chương 10. Tiểu văn hoá các đơn vị thành viên
Chương 11. Kỳ vọng không được đáp ứng
Phần IV: Suy ngẫm
Chuong 12. Bọn FPT
Chương 13. Thay lời kết
Gợi ý cách đọc cuốn sách này:
– Nếu bạn là sinh viên có thể bắt đầu từ phần lý thuyết rồi chuyển sang các câu chuyện của FPT để hiểu rõ hơn những luận điểm khô khan.
– Nếu bạn là người đang đi xây dựng văn hóa tổ chức, có thể bắt đầu ngay chương 5, khi có thời gian có thể xem lại phần lý thuyết.
– Bạn đã có thông tin về FPT, có thể bắt đầu từ cuối về phần tiến hóa và suy ngẫm để có thể hình dung về FPT trong tương lai.
Đặc biệt cuốn sách FPT Bí lục – Khám phá doanh nghiệp tại FPT cũng vừa đạt giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6 vào ngày 29 tháng 12 năm 2023 do Nhà nước cấp.
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!