[ThaiHaBooks] Cuốn sách này không phải là một cẩm nang về cách sống, hay hướng dẫn bạn thực hành một lối sống chuẩn mực. Thay vào đó, cuốn sách đi sâu hơn trong việc lý luận và xây dựng một hệ thống tư tưởng cho một cuộc sống đơn giản và hiệu quả.
Trong cuốn sách Giản dị, tác giả Nguyễn Đỗ Thành Đạt đã đưa ra những suy nghiệm và tư tưởng về phương cách sống giản dị, một lối sống được nhiều người theo đuổi. Với mong muốn mang tới cho bạn đọc trước hết sự thay đổi trong tâm thức, để hiểu tại sao chúng ta cần sống một cuộc đời đơn giản hơn, nói cách khác, tại sao tư tưởng giản dị lại chính là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề mà nhân loại đang phải đối mặt.
Trích lời tác giả: “Trong nhiều năm sống giữa hai thái cực giàu và nghèo, giữa thiếu thốn và dư dả, giữa đạm bạc và xa hoa, tôi đã suy nghiệm rất nhiều về khao khát của con người khi tìm cách bứt ra khỏi đói nghèo và vươn tới được sự giàu có. Mấu chốt đằng sau rõ ràng là để đạt tới cái mà chúng ta gọi là “hạnh phúc”, một từ tương đối mơ hồ, khó nắm bắt, nhưng đầy hứa hẹn.
Sau cùng, tôi đã tự tìm ra cho mình thứ viên mãn hơn hết thảy, đó là đời sống giản dị. Thứ đời sống mà nghe qua thì không có gì hấp dẫn, không có gì đặc biệt và thật dễ để đạt tới, ấy thế mà nó lại được ưa chuộng và khuyến khích bởi rất nhiều vĩ nhân từ cổ chí kim. Giờ đây, nó là tư tưởng đang trỗi dậy mạnh mẽ, sống dưới cái tên “chủ nghĩa tối giản”. Đặc biệt hơn, nó đã trở thành một phong trào được. phát triển bởi những người trẻ, những con người hiện đại, đầy sức sống và giàu trí tuệ.”
Về bố cục, tác phẩm này sẽ được chia thành bốn phần:
- Phần đầu nói về tư duy đúng đắn trong việc sở hữu và sử dụng đồ đạc, nó phê phán (không thương tiếc) những thói quen vốn đã phổ biến trong xã hội hiện đại.
- Phần hai giải thích lý do, đề ra những mục đích ta hướng tới khi lựa chọn một cuộc sống giản dị.
- Phần ba là những thêm thắt về tư tưởng sống, được bổ sung như một thứ “gia vị” hoàn chỉnh cho tác phẩm.
- Phần bốn giới thiệu một số tấm gương tiêu biểu, phân tích những câu chuyện thú vị xoay quanh lối sống này.
Trích đoạn sách:
- Bỏ đi được tâm sợ hãi sự sở hữu không có nghĩa là ta lại bắt đầu tích góp cho mình mọi thứ hay ho ở trên đời. Với tư duy rằng nếu ta không đam mê chúng thì việc ta có nhiều hay ít không còn quan trọng nữa. Thực tế là điều này vẫn tạo ra ảnh hưởng lên bản thân bạn, bạn cần biết rằng trên đời này không có nhiều thứ thực sự cần sở hữu, chúng tồn tại chỉ để lấy cắp đi thời gian và năng lượng quý giá của cuộc đời bạn mà thôi.
Đúng như vậy, tôi muốn nói rằng hầu hết các phát minh đều là không cần thiết cho bạn, phần lớn trong số chúng vẫn có ích lợi với ai đó, trong một hoàn cảnh nào đó, nhưng tuyệt đối không phải là với bạn. Tiếng Anh có một thuật ngữ rất hay để biểu thị điều này, đó là “nice-to-have”, nghĩa là có thì cũng hay đấy, thú vị đấy, nhưng không có thì cũng chả sao, chẳng là vấn đề với bạn (ít nhất là ở hiện tại).
- Những người có quá nhiều thứ để lo lắng và khao khát, thì rất khó có đủ thời gian cho chính bản thân họ. Tôi đặc biệt nhấn mạnh cụm từ “bản thân họ”, bởi nhiều người thường hay nhầm lẫn, đánh đồng những đồ vật họ sở hữu với chính con người, bản thể của họ. Đặc biệt là với những món đồ có giá trị cao, những món đồ mà có khi họ phải dành ra rất nhiều năm cố gắng, đã phải gạt bỏ danh dự, lương tâm của mình để có cho được. Thậm chí họ đã phải liều cả mạng sống của mình để mang về thứ tiền tài vật chất ấy, nên họ luôn lẫn lộn, họ lấy chúng làm thước đo cho nhân phẩm, cho bản ngã, cho việc họ có đáng quý giữa xã hội này hay không. Họ quan tâm tới thứ quần áo này, đồ công nghệ kia, họ tìm hiểu tất tần tật về các bộ phim, các nghệ sĩ, họ cập nhật và nghe mọi bản nhạc mới nhất, sưu tầm đủ thứ vật dụng quý hiếm, hay săn lùng, mang về, chất đầy các món đồ sang trọng để tô điểm cho căn nhà của họ. Như vậy thì lấy đâu ra thời gian để mà quan tâm tới những thứ giá trị hơn nhiều, như an dưỡng cho tâm hồn, bồi bổ cho trí tuệ?
Bởi vì chú trọng tới mấy cái đó, đời sống của họ ở nhiều mặt khác cũng bị ảnh hưởng, như họ sẽ có xu hướng thích đi ra ngoài, tới các bữa tiệc, gặp gỡ bạn bè, trải nghiệm mọi loại dịch vụ, tận hưởng các lạc thú mà con người đến nay có thể nghĩ ra được. Nói cách khác, niềm đam mê đồ vật đi kèm với niềm đam mê các hoạt động lạc thú, chúng song hành cùng nhau, bởi chúng là thứ hỗ trợ không thể thiếu để gia tăng các lạc thú ấy
Công ty CP Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!
Thông tin về cuốn sách:
Tên sách | Giản dị – Giải pháp cho những vấn đề của con người |
Tác giả | Nguyễn Đỗ Thành Đạt |
Giá | 179.000 Đ |
Số trang | 308 trang |
Trọng lượng | 380 gram |
Nhà xuất bản | Lao Động |
Khổ | 15.5x24cm |
Barcode – ISBN | 8935280912199 – ISBN 9786043609165 |