[ThaiHaBooks] Đây là một tư liệu hướng dẫn hết sức thiết yếu dành cho các bậc cha mẹ về cách chăm sóc trẻ sơ sinh, cách sử dụng kháng sinh, các khuyến nghị về chế độ ăn uống, tác động của môi trường đối với sức khỏe và cách nuôi dưỡng hệ vi sinh của em bé trước và sau khi chào đời. Hệ vi sinh trên cơ thể bé bao gồm các biện pháp phòng ngừa thiết thực như bí quyết tắm cho bé, những việc cần làm khi sinh nở, cách bảo vệ da, giảm tiếp xúc với các độc tố gây ô nhiễm không khí, độc tố trong các chất tẩy rửa và cách bảo vệ hệ vi sinh trong đường ruột thông qua chế độ ăn uống.
Tác giả Meenal Lele, một người mẹ hai con đã chia sẻ về hành trình chăm sóc cậu con trai Leo bị bệnh dị ứng nặng của mình. Cô đã nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh của căn bệnh, tích cực chia sẻ kinh nghiệm làm mẹ và những nghiên cứu sâu rộng của mình đến tất cả những người liên quan, bao gồm cả các bệnh nhân nhỏ tuổi, cha mẹ, bác sĩ, y tá và chuyên gia dinh dưỡng của các bé. Xuyên suốt ấn phẩm Hệ vi sinh trên cơ thể bé, tác giả đã theo dõi sự tiến triển bệnh tật ở cậu con trai Leo, biểu hiện qua các bệnh miễn dịch, dị ứng thực phẩm, dị ứng môi trường và bệnh chàm. Cô đã kết nối các triệu chứng phức tạp của con trai mình với sự thay đổi của hệ vi sinh và các phơi nhiễm môi trường. Đây hẳn là một công việc đầy thách thức, vì hầu hết các bác sĩ và bệnh nhân đều tập trung vào việc điều trị các triệu chứng của bệnh nhưng rất ít khi xét đến các yếu tố gây bệnh cũng như những biện pháp phòng ngừa.
Trong cuốn sách này, tác giả Meenal Lele đã chia sẻ những nghiên cứu và kinh nghiệm của mình bằng một văn phong hết sức ấm áp. Đây là một tài liệu tham khảo quý giá không chỉ dành cho các bậc cha mẹ có con cái mắc những bệnh mãn tính được liệt kê ở trên mà còn cho những người trưởng thành cũng đang mắc các căn bệnh này.
Trích đoạn hay
1. Từ những năm 1960 đến nay, tỷ lệ mắc các chứng dị ứng, bệnh liên quan đến miễn dịch và thoái hóa thần kinh đã tăng lên với một tốc độ đáng báo động. Sự gia tăng này diễn ra trùng hợp cùng với sự ra đời của các loại hóa chất mới, đã gây ra tác hại khủng khiếp cho sức khỏe của con người và Trái đất của chúng ta. Ngày càng nhiều dữ liệu cho thấy sự tổn hại hàng rào biểu mô (da, đường ruột, và phổi) ở con người, cùng với những biến đổi của hệ vi sinh trong những bộ phận này đã góp phần dẫn đến các chứng dị ứng thực phẩm, bệnh chàm, hen suyễn, dị ứng môi trường, không dung nạp gluten, viêm đường ruột và nhiều chứng bệnh khác. Sự rò rỉ ở biểu mô đường ruột (hay còn gọi là “hội chứng rò rỉ ruột”), và sự sụt giảm tính đa dạng sinh học của hệ vi sinh trong đường ruột, được xem là có liên quan đến các bệnh tự miễn và rối loạn trao đổi chất như tiểu đường, béo phì, đa xơ cứng, thấp khớp, viêm khớp, lupus, viêm cột sống dính khớp và viêm gan tự miễn. Sau cùng, các phản ứng viêm do “rò rỉ ruột” và sự thay đổi của hệ vi sinh trong cơ thể, còn bị nghi ngờ có liên quan đến hội chứng suy giảm trí nhớ Alzheimer, hội chứng liệt rung Parkinson, trầm cảm mãn tính, rối loạn tâm thần liên quan đến căng thẳng và rối loạn phổ tự kỷ.
2. Chúng ta có rất nhiều hệ sinh thái trên “hành tinh cơ thể” của mình. Hệ vi sinh của mỗi vị trí là duy nhất, tùy thuộc vào lượng ánh sáng, oxy, hơi ấm, axit, dầu và thức ăn mà nó nhận được. Một số loài tạo thành hàng tỷ vi sinh vật trong một bộ phận của cơ thể. Trong khi các loài khác có thể chỉ có 100 thành viên. Những loài này đôi khi được gọi là loài trọng yếu, tức hiếm về số lượng nhưng rất quan trọng để hệ sinh thái hoạt động hiệu quả. Ví dụ, vi khuẩn Ruminococcus bromii sống trong ruột kết, có khả năng đặc biệt giúp phân giải một số loại tinh bột mà những vi khuẩn khác, vốn đông đảo hơn nó rất nhiều, lại không thể làm được.
3. Da là cơ quan lớn nhất của con người. Và các tế bào cấu thành làn da phục vụ như tuyến phòng thủ đầu tiên, chống lại vô vàn “kẻ xâm lược” tiềm ẩn. Da cũng là cơ quan tiếp xúc nhiều nhất với thế giới bên ngoài, bao gồm quần áo, hóa chất, xà phòng, ô nhiễm không khí và tác nhân gây bệnh. Làn da của một người là nơi cư ngụ của các loại vi khuẩn, nấm, virus và bọ ve được tìm thấy trong chính môi trường sống của người đó. Và thành phần này sẽ liên tục thay đổi khi môi trường thay đổi. Một số vi sinh vật cư trú trên da có thể gây hại, chẳng hạn như S. aureus. Nó có thể gây ra mọi chứng bệnh từ nhiễm trùng da cho đến viêm phổi, hội chứng sốc nhiễm độc và nhiễm trùng huyết. Những vi sinh vật khác có thể lại hữu ích và đóng vai trò trong việc huấn luyện các tế bào ghi nhớ miễn dịch nhận ra các kháng nguyên.
Trẻ sơ sinh có được hệ vi sinh trên da đầu tiên là từ đường âm đạo, sau đó là từ da tiếp da với mẹ ngay sau khi sinh. Từ lúc ấy, khi em bé tương tác với quần áo, bụi và vảy da trong ngôi nhà của mình, với đất cát và cây cỏ trong công viên, các loài tạo nên hệ vi sinh trên da sẽ thay đổi.
4. Từ khi Leo lên cơn hen suyễn phải nhập viện và khiến tôi tự trách mình đang làm mẹ kiểu gì vậy, trong những tháng tiếp theo, con trai tôi đã phải trải qua ít nhất ba cơn hen suyễn nữa. Mỗi lần như vậy, con đã dùng rất nhiều liều steroid dạng hít cũng như dạng uống để điều trị. Chúng tôi càng lúc càng thấy kiệt sức hơn. Nhưng tôi vẫn tiếp tục phản đối việc dùng steroid hằng ngày. Tôi không thể chịu được ý nghĩ con mình phải uống thuốc hằng ngày như ăn cơm, trong suốt phần đời còn lại của bé. Tôi đã không biết là mỗi đợt thuốc dùng để cấp cứu khi bùng phát triệu chứng có liều lượng tương đương với số thuốc uống hằng ngày để phòng ngừa trong vòng 5 năm. Bằng cách cương quyết phản đối việc dùng thuốc hằng ngày, tôi đã giúp con mình có được 25 năm không phải “uống thuốc thay cơm”. Tóm lại, hãy cẩn thận với thuốc kháng sinh và tuân theo chỉ định của bác sĩ với bất kỳ loại thuốc nào khác mà con bạn nhận được.
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!