Eline Snel

Hít thở để vượt qua

Tác giả: Eline Snel   |   Tủ sách: V-Buddhism
63,200₫ 79,000₫
-20%
(Tiết kiệm: 15,800₫)
  • 100% sách bản quyền
    100% sách bản quyền
  • Ship COD toàn quốc
    Ship COD toàn quốc
  • Kiểm tra nhận hàng trước khi thanh toán
    Kiểm tra nhận hàng trước khi thanh toán
  • Đổi trả trong 30 ngày nếu sản phẩm lỗi
    Đổi trả trong 30 ngày nếu sản phẩm lỗi

Mô tả sản phẩm

[ThaiHaBooks] Tất cả chúng ta đều biết rằng việc chăm sóc và nuôi dưỡng những đứa trẻ mỗi ngày thực sự là một chuyến phiêu lưu dài. Và chắc chắn bạn không bao giờ biết hết được điều gì đang chờ đợi mình phía trước. Khi chịu trách nhiệm chăm sóc cho một ai đó, bạn sẽ phải kiềm chế những mong muốn, những cảm xúc nhất thời, cũng như những giới hạn của chính bản thân. Và sống cùng lũ trẻ đang ở tuổi dậy thì quả thực rất căng thẳng, bởi chúng luôn phá vỡ mọi kế hoạch của chúng ta, khiến chúng ta phải đau đầu tìm cách cân bằng giữa những mong muốn của chúng ta và của chúng.

Hít thở để vượt qua được đúc kết từ rất nhiều khóa học mang tên Chánh niệm thật quan trọng! mà tôi đã dạy cho các em bé (từ 4 đến 12 tuổi), các cô cậu mới lớn (từ 13 đến 19 tuổi), các nhà giáo dục, bác sĩ tâm lý và các bậc cha mẹ qua nhiều năm. Cuốn sách này là phần tiếp nối của Ngồi yên như một chú ếch, cuốn sách đã giúp cha mẹ biết bấm nút “tạm dừng” đúng lúc. Tất cả các ví dụ trong cuốn sách đều dựa trên những câu chuyện có thật. Một vài trong số đó là của các bạn trẻ và các bậc làm cha mẹ đã tham gia các khóa đào tạo (tên tuổi đã được thay đổi), số còn lại đến từ chính trải nghiệm 35 năm làm mẹ của tôi.

Hít thở để vượt qua được xây dựng theo ba phần: can đảm, cảm thông và tin tưởng.

Can đảm là thứ bạn cần có khi là một người cha người mẹ, để phá tan huyền thoại về sự tồn tại của giáo dưỡng hoàn hảo. Tương tự như vậy, bạn cần can đảm để hoàn thành tốt nhất vai trò làm hình mẫu cho con noi theo. Can đảm có sẵn trong nội tại để đối mặt với những khó khăn, những tình huống khó xử như cảm giác đau đớn, tội lỗi hoặc xấu hổ và buồn bã. Bạn cần đến can đảm để thiết lập ranh giới cho mình. Can đảm cho bạn cơ hội để mở lòng với những nỗi sợ hãi hay hy vọng sâu thẳm trong tim mà bạn chưa từng phải vượt qua. 

Sự cảm thông là điều cần có để chạm tới trái tim. Trái tim bạn có thể trao đi, rồi nhận lại tình yêu chân thành và ấm áp, nhưng nó cũng dễ dàng nguội lạnh khi bị tổn thương. Cảm thông với chính mình và mọi người là đặc trưng tự nhiên để làm dịu đi đau đớn hay trấn an niềm vui sướng quá khích. Trong quá trình nuôi dưỡng những đứa trẻ, bạn phải cân bằng được giữa lý trí và tình cảm, để từ đó có thể đưa ra những hành động khôn ngoan khi cảm xúc của bản thân đang dâng lên mãnh liệt và nhất thời. 

Và cuối cùng, niềm tin là điều tối quan trọng đối với các bậc cha mẹ. Niềm tin mang lại cảm giác đảm bảo và chắc chắn rằng mọi thứ sẽ ổn, ngay cả khi hiện thực đang diễn ra điều ngược lại. Khi chúng ta buộc phải chấp nhận những thứ ngoài tầm kiểm soát hoặc bị đẩy vào tình thế chẳng có sự lựa chọn nào khác ngoài việc ngồi lại và chờ đợi, thì niềm tin là điều vô cùng cần thiết. Tình thế sẽ luôn luôn thay đổi, nên bạn chỉ cần kiên nhẫn. Một chú sâu bướm chắc chắn sẽ hóa bướm, bạn có thể tin tưởng vào điều đó, vậy nên đừng bao giờ nóng vội tự ý mở chiếc kén ra. Thực tế là bạn không thể ngăn thủy triều, thời tiết hay thậm chí là chú sâu bướm nhưng bạn lại có thể kiểm soát được những phản ứng, thái độ hay cách cư xử của chính mình.

Cuốn sách này bao gồm đường dẫn1 để tải hai bộ bài tập thực hành về chánh niệm - một cho các bậc cha mẹ, một cho các cô cậu bé đang tuổi dậy thì. Những bài tập này sẽ giúp bạn nhận biết rõ ràng những gì đang hiện hữu trong mỗi phút giây thực tại mà không cần phán xét, không cần mục tiêu hay kết quả cụ thể trong tâm trí. Bạn càng nhận thức rõ thực tại bao nhiêu, bạn càng ít bỏ lỡ nó bấy nhiêu. Cảm nhận được sự hiện hữu đem lại nối kết là vô cùng quan trọng, nhất là khi bạn sống cùng với những đứa trẻ mới lớn. Trong cuốn sách này, những bài tập nói trên được đánh dấu với biểu tượng tải về . Bạn có thể thực hành khi đang thư giãn tại nhà trên một chiếc ghế dài hoặc thậm chí là khi nằm trên giường. Với điều kiện là bạn chân thành mong muốn trải nghiệm. Bạn sẽ học được cách hiện hữu tại mọi lúc, mọi nơi, mọi thứ bạn cảm nhận, suy nghĩ hay trải nghiệm. 

Mỗi chương cũng nêu ra những bí quyết cho bài tập thực hành. Tôi gọi chúng là “Nút dừng trong gia đình”, tuy nhiên bạn có thể thực hành ngay cả khi xếp hàng chờ tính tiền trong siêu thị. Không nhất thiết phải ngồi tĩnh lặng trên một chiếc gối. Bạn có thể thực hành chánh niệm mọi lúc, mọi nơi.

Audio những bài tập âm thanh "Hít thở để vượt qua"

MỤC LỤC:

Giới thiệu 

Phần I: Can đảm 

1 Can đảm nhìn nhận không phán xét   

2 Can đảm khám phá ra kết nối giữa tâm trí và cơ thể  

3 Can đảm chấp nhận cảm xúc   

4 Can đảm đối mặt áp lực 

5 Can đảm thiết lập ranh giới   

Phần II: Cảm thông 

6 Chào đón khủng hoảng  

7 Cảm thông cho chính bạn   

8 Trao tặng yêu thương  

9 Nghệ thuật trò chuyện  

Phần III: Tin tưởng 

10 Tin vào con, tin vào bản thân  

11 Khát khao   

12 Con đường của con   

13 Tin tưởng bằng lòng tốt   

14 Tin tưởng vào hạnh phúc  

Lời bạt  

TRÍCH ĐOẠN SÁCH:

CAN ĐẢM NHÌN NHẬN KHÔNG PHÁN XÉT

Con người có năm giác quan và chúng ta có thể nhận biết được thế giới xung quanh mình thông qua chúng. Ngoài ra còn có cả giác quan thứ sáu, cho phép chúng ta nhìn tận sâu bên trong chính mình. Bằng giác quan này, chúng ta có thể xác định xem bản thân đang có cảm xúc như thế nào, suy nghĩ ra sao và cơ thể cảm thấy những gì. Khả năng nhìn nhận và kết nối với thế giới bên trong chính chúng ta là điều vô cùng quý giá trong quá trình nuôi dạy trẻ. Khả năng quan sát không phán xét cũng quý giá như vậy. 

Đó là lần đầu tiên mẹ nhìn thấy con. Mùi hương ngọt ngào của dòng sữa ấm, cảm giác kỳ diệu khi da tiếp da, sự sống mãnh liệt từ con bủa vây tâm trí mẹ và xâm nhập vào từng tế bào cơ thể mẹ. Trước khi mẹ kịp nhận ra, thì mọi giác quan làm mẹ của mẹ bỗng trở nên nhạy bén. Tất cả lập tức nếm trải khoảnh khắc kỳ diệu này một cách nguyên sơ nhất. Lòng mẹ lâng lâng. Nhìn con yêu bình yên khép đôi mi trên đôi má mềm mịn, chậm rãi hít vào và thở ra từng luồng sinh khí: Vô tư, nhẹ nhàng, chẳng có chút phán xét hay kỳ vọng nào cả. 

Tại sao chúng ta lại lâng lâng hạnh phúc và tràn ngập tình yêu thương khi ngắm nhìn những em bé mới chào đời, chứ không phải ngắm nhìn những đứa trẻ ở tuổi dậy thì hay chính mình? Điều gì khiến chúng ta cứ cố gắng lý giải, cắt nghĩa hay phán xét chính mình và những đứa trẻ ở tuổi dậy thì? Đó chính là bởi chúng ta chỉ nhìn nhận thực tế theo một lối mòn những kinh nghiệm cũ kỹ hay những cảm xúc và suy nghĩ dập khuôn. Lối mòn này sẽ xác định những gì chúng ta thấy và cách chúng ta diễn đạt hay phán xét chúng ra sao. Nó cũng xác định việc ta có thích chúng hay không.

Lối mòn này cũng định hình cách chúng ta phản ứng trước một hoàn cảnh cụ thể. Quan điểm của chúng ta thu hẹp lại và khả năng nhìn nhận vấn đề một cách chân thực và có ý thức cũng giảm xuống. Chúng ta thường nói với bọn trẻ từ khi chúng còn rất nhỏ rằng: “Đừng nhìn mẹ như thế”, “Đừng ngốc nghếch vậy”, “Hãy lại gần nhau hơn nữa”, hay “Con đừng lười biếng nữa”. Cảm xúc, cách biểu đạt, giải thích hay sự kỳ vọng sẽ tác động tới cách mà chúng ta nhận thức thực tại. Những gì ta cho rằng ta đang thấy thường dựa trên những suy nghĩ chủ quan hơn là những gì ta thực sự thấy.

Anne bước vào với chiếc túi xách to màu vàng cùng tâm trạng vô cùng vui vẻ. Con bé đã dành cả buổi chiều đi mua sắm cùng bố. “Con đã tìm được một thứ tuyệt đẹp mẹ ạ.” Con bé nói và không giấu nổi nụ cười sung sướng. Rồi nó lôi ra một chiếc áo khoác giả da màu trắng lấp lánh với cái cổ áo rộng làm bằng lông thú. Nó khoác vào người, giữ cái cổ lông thú thật cẩn thận và hãnh diện đi quanh phòng. “Mẹ thấy sao mẹ?” Con bé hỏi với vẻ mong chờ.

“Mẹ nghĩ cái áo này nhìn thật rẻ tiền,” tôi nói.“Nó không hợp với con chút nào, con sẽ không muốn mặc nó đến trường đâu!” 

Như thể bị ong đốt, con bé cởi phăng chiếc áo khoác, ném qua ghế và hét lên: “Tại sao mẹ luôn làm hỏng mọi thứ vậy? Ước gì con được sinh ra ở một gia đình khác chứ không phải là trong nhà này. Mẹ chẳng bao giờ nghĩ tốt về con, mẹ chỉ luôn chê bai con thôi.” 

Tôi định phản ứng lại, nhưng trước khi tôi kịp nói trông con bé rất ổn và thực sự xinh xắn, thì nó đã lao về phòng. Nó đóng sầm cánh cửa phòng mình với một thông điệp rất rõ ràng rằng: Dù cho mẹ có làm gì đi nữa cũng đừng bước lên phòng con bởi vì con sẽ không mở cửa đâu!

TẠI CHẾ ĐỘ LÁI TỰ ĐỘNG 

Trong hầu hết hoàn cảnh, chúng ta hoàn toàn không ý thức được rằng mình đang cảm giác, suy nghĩ, nói hay làm những gì cũng như ảnh hưởng của những hành động đó. Ta thường để cho chúng bộc phát mà không hề có sự suy xét cẩn thận.

Trẻ nhỏ, cha mẹ, thậm chí thầy cô giáo, thường hành động một cách vô thức như thể được cài đặt chế độ lái tự động. Bản thân việc hành động một cách vô thức không phải là xấu. Thực tế là trong nhiều trường hợp, hành động kiểu này khá có ích, đơn giản và ít mệt mỏi hơn nhiều. Những người phi công sẽ bật chế độ lái tự động trong suốt chuyến bay nhiều giờ đồng hồ cho đến khi chuyện gì đó quan trọng sắp diễn ra, ví như máy bay sắp cất cánh hay hạ cánh, hoặc một tình huống không mong đợi nào đó xảy ra, ví như gặp thời tiết xấu hay đột nhiên bay vào vùng nhiễu sóng. Đây là lúc hệ thống tự động sẽ được tắt đi và người phi công trực tiếp đảm nhận việc điều khiển máy bay. Để ra một quyết định như vậy, người phi công phải can đảm, quyết đoán và phải luôn luôn bình tĩnh, theo dõi, cũng như giám sát các tình thế có thể thay đổi trong suốt chuyến bay. Sống cùng bọn trẻ cũng giống như vậy.

NÚT DỪNG TẠI NHÀ Quan sát không phán xét

Hãy quan sát bọn trẻ khi chúng không phải chịu sự giám sát: chúng ngồi, ngủ, chơi điện tử, hoặc tán gẫu với bạn bè. Hãy quan sát theo cách bạn đã nhìn khi chúng chỉ là một em bé – ánh nhìn âu yếm, không chút phán xét. Hãy cư xử như thể lần đầu tiên bạn nhìn thấy chúng vậy. Bạn thấy gì khi không đưa ra một lời phán xét nào? 

Tại sao đôi lúc bạn không tự ngắm mình trong gương và dành cho mình ánh nhìn ấm áp rồi thì thầm: “Mình đã làm hết sức có thể!” Và hãy ghi nhớ rằng bạn chỉ cần làm mọi việc một cách khác biệt mà không cần làm tốt hơn. 

Bạn cảm nhận gì khi trìu mến nhìn vào chính mình? Trong cuộc sống với đứa trẻ ở tuổi dậy thì, xu hướng phản ứng bộc phát thường phát sinh. Hãy nghĩ về cách bạn phản ứng khi bọn trẻ trốn học, để nhà cửa bừa bộn, dành quá nhiều thời gian cho chiếc máy tính hay ăn mặc chẳng giống ai. Hãy chú ý đến những suy nghĩ thường ngày của bạn về những sự việc trên. Ngồi lại với những suy nghĩ đó một thời gian. Nếu bạn có thể thu hết can đảm, hãy rẽ trái thay cho những lần rẽ phải quen thuộc. Quan sát thay đổi này tác động tới bản thân bạn hay bọn trẻ. Hãy làm chính mình bất ngờ. Và khi ấy, hãy ghi lại phản ứng của bọn trẻ trong tâm trí. Bạn thấy mình là một người cha/người mẹ thế nào? Bạn nghĩ gì về bọn trẻ, về người bạn đời hay người yêu cũ? Bạn có thể bắt đầu bằng việc chấp nhận những phán xét. Hãy thấu hiểu và đừng phán xét. Nếu làm một bản thống kê nhỏ, những phán xét nào của bạn sẽ nằm ở ba thứ hạng đầu? 

Chào mừng bạn đến với những phán xét và trải nghiệm chúng. Hãy chấp nhận và mỉm cười với chúng bởi vì chúng luôn ở trong tâm trí bạn – nhưng không phải lúc nào bạn cũng nên thể hiện chúng ra ngoài. Bạn sẽ thấy được nhiều điều hơn khi bạn quan sát mà không phán xét.

Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!

Sản phẩm đã xem

HỎI ĐÁP - BÌNH LUẬN