[Thaihabooks] “Ai có thể yêu những ngày nắng nếu chưa từng trải qua những ngày mưa? Ai có thể ước ao ánh sáng ban ngày nếu chưa từng trải qua đêm tối?”
“Chúng ta thay đổi mỗi ngày, và con người hôm qua của chúng ta đã chết” – John Updike từng viết.
“Vậy tại sao… chúng ta phải sợ hãi cái chết, khi mà nó đến với ta hết lần này đến lần khác?”. Một nửa thiên niên kỷ trước, Montaigne đã đặt ra câu hỏi tương tự khi ông chiêm nghiệm về cái chết và nghệ thuật sống: “Than thở về việc chúng ta không thể sống tới hàng ngàn năm tiếp theo, cũng điên rồ như việc tiếc nuối tại sao chúng ta không được sinh ra từ hàng ngàn năm trước.”
Tuy nhiên, cái chết vẫn luôn làm chúng ta khiếp sợ – cái chết của chính ta, và cái chết của những người thân yêu xung quanh chúng ta. Nếu một người trưởng thành vẫn luôn hoang mang và không nắm bắt được ý niệm về cái chết, vậy làm cách nào để lý giải cho một đứa trẻ về cái chết, để khiến nó cảm thấy thấu hiểu và chấp nhận cái chết như một phần của sự sống?
Cuốn sách có tựa đề “Khóc, buồn, nhưng đừng bao giờ gục ngã” (Cry, heart, but never break) – một cuốn truyện cho thiếu nhi đã lý giải rất thông minh và đầy đủ cho con trẻ về cái chết. Cuốn sách này được viết bởi nhà văn người Đan Mạch Glenn Ringtved, minh họa bởi Charlotte Pardi, và được dịch sang tiếng Anh bởi Robert Moulthrop.
Mặc dù nhà văn Ringtved thường được biết đến với những cuốn truyện hài hước, nhưng riêng cuốn này được thai nghén từ sự trải nghiệm sâu sắc của tác giả – khi mẹ của ông đang hấp hối và cố gắng giải thích cho những đứa cháu nội của mình về cái chết, bằng những câu từ thật nhẹ nhàng: “Hãy khóc, hãy đớn đau, nhưng đừng bao giờ gục ngã.” Đó là cách mà bà đã an ủi những đứa cháu rằng, thay vì chống lại, hãy cho phép những cảm xúc tiếc thương, buồn bã đó được đến với mình, sau đó gấp nó lại trong một trang của cuộc sống, và tiếp tục lật mở những trang tiếp theo. (Nhắc đến đây, tôi chợt nhớ tới câu nói bất hủ của Maria Kalman: “Khi Tibor (tên chú chó cưng của Maria) chết, tôi tưởng rằng cả thế giới này đã chấm dứt. Nhưng thực tế nó không hề chấm dứt. Đó là bài học lớn nhất mà tôi được học.”)
Câu chuyện bắt đầu với khung cảnh trong “căn nhà nhỏ ấm áp”, nơi bốn đứa trẻ sống cùng bà của chúng. Đến một ngày, Tử Thần đến căn nhà đó để đưa người bà đã già yếu ra đi. Do không muốn làm kinh sợ những đứa trẻ, Tử Thần đã để lại lưỡi hái của mình bên ngoài cửa. Chi tiết nhỏ này khiến chúng ta hơi ngạc nhiên về sự nhân từ của Tử Thần.
Bước vào trong nhà, hắn ngồi xuống bàn ăn, nơi mà chỉ có đứa nhỏ nhất là Leah, dám nhìn thẳng vào hắn.
Điều khiến người đọc thấy cảm động là nhờ vào những bức tranh mô tả của Pardi – cho thấy những đứa trẻ cảm thấy hụt hẫng, ngỡ ngàng, cho dù Tử Thần đã dành cả khoảng thời gian ngắn ngủi đó để xin lỗi và giải thích nghiệm vụ của hắn, ta vẫn không khỏi cảm thấy nghẹn ngào.
Trong lặng lẽ, những đứa trẻ nghe thấy tiếng chân của bà chậm chạp bước lên lầu, cùng những hơi thở khò khè, nặng nhọc như lúc bà đang ngồi ở bàn. Chúng hiểu rằng Tử Thần đến để đưa bà đi, và thời gian còn lại chẳng là bao.
Để ngăn chặn điều không thể đó, những đứa trẻ đã lên một kế hoạch – chúng nghĩ rằng Tử Thần chỉ ra tay vào thời điểm ban đêm, nên chúng “câu giờ” bằng cách liên tục rót đầy tách cafe của Tử Thần cho đến lúc bình minh, với hy vọng rằng hắn sẽ rời đi mà không đem theo người bà của chúng. Ngay tại đoạn này, chúng ta có thể cảm thấy sự gần gụi của cái chết với cuộc sống bình thường. Còn điều gì có thể bình thường hơn, khi một kẻ – cho dù là Tử Thần – cũng có thể thưởng thức tách cafe bên bàn bếp?
Nhưng rốt cục, Thần Chết che bàn tay xương xẩu của mình lên miệng cốc, báo hiệu rằng đã đến lúc. Ngay lúc đó, Leah đã đặt bàn tay nhỏ bé của mình lên bàn tay Tử Thần, và cầu xin hắn đừng mang người bà yêu dấu của em đi. Em nài nỉ: “Tại sao bà lại phải chết?”
Mọi người thường cho rằng trái tim Tử Thần thì đã chết và mang một màu đen xám xịt như than đá, nhưng điều đó không đúng. Bên dưới lớp áo choàng đen như mực của mình, trái tim Tử Thần có màu đỏ tươi như hoàng hôn và đang đập với một tình yêu lớn dành cho sự sống.
Cái chết là một điều gì đó vượt quá sức tưởng tượng của những đứa trẻ, nên Tử Thần đã quyết định trả lời câu hỏi của Leah bằng một câu chuyện, với hy vọng rằng nó sẽ giúp bọn trẻ hiểu được tại sao cái chết là một phần tự nhiên và thiết yếu của sự sống.
Câu chuyện bắt đầu với hai anh em tên là Sorrow (Nỗi buồn) và Grief (Sự đau khổ), sống những tháng ngày “chậm chạp và nặng nề ” trong một thung lũng tối tăm, bởi họ chẳng bao giờ ngửa mặt nhìn lên, bởi “họ chẳng bao giờ nhìn lên những gì đang diễn ra trên những đỉnh đồi”.
Trên đỉnh đồi đó, có hai chị em tên là Joy (Niềm vui) và Delight (Sự hân hoan) đang sống. Trên đó tràn ngập ánh nắng mặt trời, và những ngày của họ diễn ra trong hạnh phúc. Khi nhìn xuống dưới thung lũng, hai chị em cảm thấy rằng một điều gì đó đã mất đi. Họ không rõ đó là điều gì, nhưng họ có cảm giác rằng chẳng thể tận hưởng niềm hạnh phúc này một cách trọn vẹn.
Khi Tử Thần đang kể câu chuyện, Leah bé nhỏ đã ngúc ngoắc cái đầu, và dự đoán được điều gì diễn ra tiếp theo – Hai người con trai đã gặp hai người con gái, họ yêu nhau và tạo thành hai cặp cân bằng: Sorrow cưới Joy, còn Grief cưới Delight.
Tử Thần nói với bọn trẻ rằng: Đó là cuộc sống – sự sống luôn đi cùng với cái chết… Điều gì sẽ diễn ra nếu sự sống có đó mà cái chết không có đó? Ai có thể yêu những ngày nắng nếu chưa từng trải qua những ngày mưa? Và ai có thể ước ao ánh sáng ban ngày nếu chưa từng trải qua đêm tối?
Bằng cách nào đó, bọn trẻ cảm nhận rằng đó là một điều hợp lý. Tuy hợp lý, nhưng thật buồn.
Đoạn, Tử Thần đứng dậy khỏi bàn và bước lên cầu thang, đứa bé trai nhỏ tuổi nhất lao ra chặn đường đi của Tử Thần. Nhưng đứa anh lớn hơn đã đặt tay mình lên vai em, an ủi rằng hãy để Tử Thần làm nốt nhiệm vụ của ông ta.
Một lát sau, những đứa trẻ nghe thấy cửa sổ trên lầu được mở ra. Và, tiếng Tử Thần cất lên như một lời ru nhẹ nhàng mà buồn thảm: “Hãy bay đi, linh hồn. Hãy bay thật xa nơi này.” Chúng vội vã bước lên lầu, nơi người bà của chúng đã ra đi vĩnh viễn – đó là khoảnh khắc buồn bã nhất đối với 4 đứa trẻ, nhưng lại được bao bọc trong sự yên bình, ấm áp đến lạ kỳ.
Tấm màn cửa khẽ tung lên trong một cơn gió nhẹ buổi sáng. Nhìn những đứa trẻ, Tử Thần khẽ nói: "Các cháu hãy khóc, hãy đau lòng, nhưng đừng bao giờ gục ngã. Hãy để những giọt nước mắt đau buồn và khổ sở này giúp các cháu bắt đầu cuộc đời của mình một lần nữa."
Kể từ đó về sau, mỗi khi những đứa trẻ mở cửa sổ, chúng lại nhớ về người bà đã quá cố. Khi cơn gió nhẹ thổi đến, chúng lại cảm thấy như bà đang vuốt ve khuôn mặt của mình.
Nguồn: brainpickings.org
Những triết lý này sẽ còn lắng mãi trong lòng bạn đọc: "Các cháu hãy khóc, hãy đau lòng, nhưng đừng bao giờ gục ngã. Hãy để những giọt nước mắt đau buồn và khổ sở này giúp các cháu bắt đầu cuộc đời của mình một lần nữa."
"Nó cũng giống như sự sống và cái chết các cháu ạ. Sự sống có còn quý giá không nếu thiếu vắng cái chết? Còn ai tận hưởng những ngày nắng nếu không trải qua những ngày mưa? Còn ai mong mỏi ngày mới nếu không trải qua đêm dài?”
Công ty CP Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!