[ThaiHaBooks] ADHD không chỉ là chứng rối loạn về sự tập trung. Về cơ bản, nó là một rối loạn của sự tự điều chỉnh. Nói một cách đầy đủ hơn, ADHD là chứng rối loạn phát triển thần kinh về khả năng tự kiểm soát, và chức năng điều hành. Hiểu định nghĩa đúng sẽ giúp giải phóng toàn bộ sức mạnh của 12 nguyên tắc trong cuốn sách này, giúp bạn nuôi dạy trẻ mắc chứng ADHD thành công.
12 nguyên tắc trong cuốn sách này được đúc kết từ chính những công trình nghiên cứu mà tác giả đã dành cả đời để thực hiện. Hiểu về hội chứng ADHD, và sử dụng các chìa khóa thành công mà ông đã xác định để nuôi dạy trẻ trở nên hạnh phúc, khỏe mạnh dù mắc hội chứng ADHD. Một số nguyên tắc đầu tiên tập trung vào việc thay đổi suy nghĩ của bạn về ADHD và con trẻ. Dù không phải là lỗi của trẻ, nhưng với hội chứng này, con bạn sẽ kém hơn nhiều so với những trẻ khác trong việc kiểm soát hành vi của chính mình. Đó lý do bạn phải can thiệp nhiều hơn so với cha mẹ của những trẻ bình thường, để giúp quản lý, giám sát, bảo vệ trẻ khỏi những tổn hại và nuôi dưỡng sự phát triển của con.
Một trong những nguyên tắc đó là khuyến khích bạn chấp nhận con người thật của trẻ, chứ không phải những gì bạn muốn trẻ trở thành. Bạn cần thấm nhuần tư tưởng rằng mình là người săn sóc, chứ không phải người nhào nặn. Bạn không thể thiết kế nên con mình, và bạn cũng không thể “tái thiết” để trẻ thoát khỏi chứng ADHD.
Một mục tiêu khác nữa của cuốn sách là thúc đẩy bạn thực hành chánh niệm trong việc nuôi dạy con cái. Để bạn có thể quan tâm, đánh giá, khen thưởng, hỗ trợ và giúp con có sự tự chủ tốt hơn. Nếu bạn đã đọc và bắt đầu áp dụng 12 nguyên tắc trong cuốn sách này, bạn có thể đã phát triển một khung tư duy chuẩn xác hơn, hữu ích hơn và ít căng thẳng hơn khi nuôi dạy con trẻ.
Trích đoạn sách hay
Dán tấm hình khi trẻ đang cư xử ngoan ngoãn lên cánh cửa tủ lạnh.
Một người mẹ nói với tôi rằng, cô ấy đã vô tình tìm ra chiến lược này. Nó thực sự đã giúp cô giữ được sự bình tĩnh tương đối, khi ứng phó với những hành vi sai trái thường xuyên của đứa con mắc hội chứng ADHD. Một ngày mùa xuân, cậu bé bước vào nhà với một bó hoa mà cậu hái từ mấy luống hoa của mẹ. Cậu bé muốn tặng mẹ một món quà. Thay vì tức giận về việc luống hoa của mình bị phá hỏng, cô đã ngay lập tức chộp lấy điện thoại để chụp hình con mình, in ra và dán lên cánh cửa tủ lạnh. Nó sẽ luôn ở đó để nhắc nhở cô mỗi ngày về con người thật của cậu bé – một đứa trẻ vô cùng ngọt ngào, chu đáo và tốt bụng, chứ không phải chỉ là một đứa trẻ chuyên gây rối. Khi cảm thấy khó chịu với con trai và mất kiểm soát cảm xúc, cô sẽ đi đến tủ lạnh, nhìn thật lâu và chăm chú vào bức hình. Đây mới là đứa con trai thực sự của cô, chứ không phải “đứa trẻ song sinh” nghịch ngợm mà cô phải vật lộn để giáo huấn suốt cả buổi sáng. Thật là một ý tưởng tuyệt vời để cân nhắc.
Thực hiện một “nghi lễ thanh tẩy” hằng ngày!
Một phụ huynh khác nói với tôi rằng: cách anh ấy giảm căng thẳng trước những hành vi sai trái thường xuyên của con mình, đó là thực hiện một “nghi lễ thanh tẩy” hằng ngày. Vào giữa trưa hoặc cuối ngày (hoặc cả hai!), anh sẽ ngồi xuống với một tờ giấy, một cây bút chì và một món đồ uống yêu thích giúp thư giãn. Người cha sẽ lập ra danh sách tất cả những lỗi lầm con gái mình đã làm trong suốt ngày hôm đó. Anh thậm chí còn lưu ý một số vấn đề rõ ràng hơn bằng cách viết hoa và thêm dấu chấm than ở cuối. Khi thấy danh sách đã đầy đủ nhất có thể, cũng như đã trút ra hết nỗi lòng của mình, người cha sẽ làm một việc khá kỳ lạ. Anh bước ra ngoài hiên nhà, thắp một que diêm, châm lửa vào một góc của tờ danh sách trên tay, và nhìn nó cháy dần. Khi lửa lan đến gần ngón tay, anh sẽ thả cho nó rơi xuống, cùng với tất cả những cảm xúc tiêu cực mà anh có với con gái mình ngày hôm đó. Sau rồi người cha sẽ thốt lên: “Cha yêu con, và cha đã tha thứ cho con rồi”. Thế là xong, mọi ưu phiền tan biến, tâm trí và cuộc sống của anh đã được “thanh tẩy”. Có thể chiến lược này cũng sẽ hiệu quả với bạn đấy.
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!