Ari Ubeysekara

Phật học căn bản - trọn bộ

Tác giả: Ari Ubeysekara   |   Tủ sách: Sách mới, V-Buddhism
1,050,000₫
  • 100% sách bản quyền
    100% sách bản quyền
  • Ship COD toàn quốc
    Ship COD toàn quốc
  • Kiểm tra nhận hàng trước khi thanh toán
    Kiểm tra nhận hàng trước khi thanh toán
  • Đổi trả trong 30 ngày nếu sản phẩm lỗi
    Đổi trả trong 30 ngày nếu sản phẩm lỗi

Mô tả sản phẩm

[ThaiHaBooks] Lời tựa được Thầy Thích Quảng Lâm -Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo quốc tế viết cho bộ sách Phật học căn bản.

“Phật giáo dù khởi nguyên từ Ấn Độ, về sau dần thấm nhuần và hòa mình vào đời sống dân gian Việt Nam, cho đến nay đã trở thành nền tín ngưỡng phổ biến hóa. Chính vì thế, phần đông đại chúng ít ai tìm hiểu rõ về diện mạo vốn có của Phật giáo thuở ban đầu. Phật giáo dân gian mà nhiều tầng lớp nhân dân biết đến là vì cầu lợi ích hiện đời mà thờ Bồ tát Quán Thế Âm, vì cầu sau khi chết được an lạc nên thờ Bồ tát Địa Tạng, vì muốn tiêu trừ tai nạn, thêm phúc kéo dài tuổi thọ nên niệm Phật Dược Sư, niệm Phật A Di Đà. Lúc còn sống thì muốn cầu tiền tài, cầu tuổi thọ, cầu con cái, cầu phúc báo, cầu bình an, nên mới đến chùa chiền để thắp hương, lễ lạy rồi cầu nguyện. Sau khi chết rồi thì nhờ thân bằng quyến thuộc thỉnh mời các vị tăng ni xuất gia tụng kinh siêu độ. Phật giáo trong sự nhận thức của nhiều người đại khái cũng chỉ có thế mà thôi.

Đương nhiên, những quan niệm và tình trạng này đối với công năng của tín ngưỡng tôn giáo thì Phật giáo không phản đối, chỉ là nội hàm sâu xa của Phật giáo và tinh thần vốn có của Phật giáo không chỉ có bấy nhiêu. Đức Phật đã thuyết tám mươi bốn nghìn pháp môn, mặc dù chỉ là con số chung chung, nhưng đã nói lên tính đa dạng hóa về giáo dục của Đức Phật.

Trong ba ngữ hệ lớn của Phật giáo và các tông phái, mỗi mỗi đều có hệ thống giáo dục hoàn chỉnh, kho tàng quý giá phong phú này rất cần chúng ta kế thừa và phát dương hơn nữa. Ngày nay chúng ta nghiên cứu về giáo dục Phật giáo, nên dựa vào nguyên tắc khế lý khế cơ, dưới điều kiện kế thừa truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay, tích cực thích ứng với đời sống hiện đại. Chỉ khi thực hiện được hai điểm này, mới mong hoằng dương Phật pháp tốt đẹp hơn nữa. Thật ra, Phật pháp được thiết lập để giáo hoá người mê, dẫn dắt kẻ tục. Nếu tách rời khỏi thế tục, vậy Phật pháp chẳng phải trở thành món đồ phế thải vô dụng sao. Bởi thế gian này rất cần sự ấm áp, thiên hạ này đang muốn được hoà bình, tâm từ bi và trí tuệ trong Phật pháp lại có thể mang đến những công năng như thế.

Hội trưởng hiệp hội Phật giáo Triệu Phác Sơ thuở sinh tiền đã từng nói rằng: “Nhiệm vụ quan trọng trước mắt của giới Phật giáo, đầu tiên là đào tạo nhân tài, tiếp nữa là đào tạo nhân tài, và cuối cùng vẫn là đào tạo nhân tài”.

Phật giáo ngày nay đang tận lực phối hợp chuẩn mực đời sống tùng lâm với chế độ giáo dục ở đại học, tùng lâm đang chú trọng đào tạo các tăng ni ưu tú sao cho vừa có lối sống tu đạo, bồi dưỡng những hành vi theo tôn giáo của người xuất gia, lại nhận được sự giáo dục chính quy của đại học, đào tạo ra những người xuất gia có đầy đủ điều kiện và năng lực phục vụ cống hiến cho xã hội.

Pháp sư Thánh Nghiêm từng nói: “Mục đích tôi xuất gia học Phật chính là cống hiến cho chúng sinh nào cần tôi về tất cả những gì tôi đã biết, tôi có thể làm được và những gì tôi đang có. Vậy nên, tôi vô cùng yêu quý tính mạng mình giữa nhân gian này, quan tâm đến tất cả những nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời, tôi không ngừng nỗ lực học tập và cống hiến không chút hối hận”.

Sự nghiệp hoằng hoá Phật giáo, hộ trì Tam bảo, dùng Phật pháp cứu vớt nhân tâm đó là kho báu vô tận của sự dành dụm. Bởi lẽ, khi một người hoằng truyền Phật pháp đến cho mười người, không chỉ mười người đó được lợi ích, vì mười người đó mỗi người lại truyền đến cho mười người nữa thì thành một trăm. Một trăm người này lại truyền bá Phật pháp đến xã hội đương thời, thế giới hiện tại, rồi lại lan toả đến xã hội tương lai vô tận ở đời sau và đời sau nữa. Chỉ cần những ngõ ngách nào có bóng dáng của Phật pháp, chỉ cần lúc nào Phật pháp còn được lưu truyền, thì công đức của chúng ta vẫn tiếp tục được lan toả và lưu truyền, đó chẳng phải là sự dành dụm và tích luỹ rộng rãi vĩnh hằng hay sao?

Mừng thay, khi chư Tôn Đức tăng ni Việt Nam vẫn luôn chú trọng đến giáo dục Phật giáo nước nhà, chưa từng quên sứ mệnh góp công đào tạo tăng tài. Nhất là những năm gần đây, chúng ta đã lập nên nhiều môi trường giáo dục của Phật giáo, để đào tạo và bồi dưỡng ra nhiều nhân tài hơn nữa để hoằng pháp và lợi sinh. Đồng thời, giới Phật giáo Việt Nam đặc biệt chú trọng Giáo trình Phật học từ Sơ cấp, Trung cấp đến Đại học, không ngừng cải thiện và thay đổi theo hướng tích cực về phương pháp dạy học, trình độ chuyên môn và phong phú giáo trình Phật học sao cho chuẩn xác với truyền thống, diện mạo của Phật giáo thuở ban sơ, nhưng vẫn khế hợp với đời sống thời hiện đại.

Vừa hay, tập sách Phật Học Căn Bản của tác giả Dr. Ari Ubeysekara này lại đáp ứng được điều kiện cần, dịch giả Thuỷ Nguyễn lại góp phần đáp ứng điều kiện đủ. Dù là tại gia hay xuất gia, dù tu bất kỳ pháp môn nào đi nữa, muốn trở thành một hành giả, học giả Phật giáo hợp lệ và đủ tiêu chuẩn cũng cần phải trang bị cho mình kiến thức căn bản về giáo lý Phật

pháp và phương pháp tu hành và giải thoát khỏi nỗi khổ niềm đau. Ít nhiều cũng nên tường tận về ý nghĩa của Tam bảo, nhân quả, vô ngã, bát chính đạo, từ bi hỷ xả, cho đến sứ mệnh và trách nhiệm cần có của một người con Phật như thế nào. Do đó, chẳng cần tìm kiếm đâu xa, tập sách này là một tác phẩm đáng đọc, đáng nghiền ngẫm cho những ai muốn truy nguyên về diện mạo ban đầu của Phật giáo, trau dồi và cải thiện tự thân, thậm chí là bước đầu muốn nhận thức về Phật giáo một cách cơ bản nhất. Thiết nghĩ, tập sách này phù hợp làm giáo trình truyền dạy Phật học trong tùng lâm cho cả hàng sơ học, trung cấp cho đến những đối tượng đã tiếp xúc nhiều với Phật giáo, cần tiến sâu hơn vào nội hàm ẩn chứa bên trong, đây có lẽ là giá trị sâu xa và ý nghĩa nhất của tác phẩm này. Do đó, tôi vừa kính phục tinh thần nghiên cứu và cống hiến cho Phật pháp của tác giả, cũng lại tán dương hết lời công phu chuyển ngữ và biên tập của dịch giả, đã góp một phần công sức của mình vào sự nghiệp phiên dịch điển tịch Phật giáo và hoằng dương Phật pháp. Tinh thần này cần phát huy lớn mạnh hơn nữa và lan tỏa rộng rãi hơn nữa, để đại chúng đều có cơ hội thấm nhuần cơn mưa giáo pháp của Đức Thế Tôn.

Mỗi người chúng ta đều đang gánh vác trên mình một sứ mệnh riêng biệt, phải nên gắng sức vận dụng sức vật, sức trí, sức thể, sức tâm hữu hạn của mình để không ngừng tu công đức bố thí. Vì cuộc sống trước mắt đương nhiên nên bố thí, vì sự vĩnh hằng ở tương lai lại càng nên bố thí. Song, duy chỉ có công đức bố thí giáo pháp mới là tối thắng, tuỳ sức cũng tuỳ tâm. Bố thí cho người nghèo kẻ bệnh là đại công đức, mà ủng hộ Phật pháp, góp công đào tạo và bồi dưỡng tăng tài hoằng pháp lại là công đức vĩ đại hơn gấp trăm nghìn lần.

Sứ mệnh của người xuất gia, đặc biệt cần phải “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi sự nghiệp”, dốc sức tích cực triển khai sự nghiệp hoằng pháp. Có sự phát tâm như thế rồi, hãy hết mình sáng tạo ra nhiều điều kiện và cơ hội hơn nữa để hoằng pháp, vận dụng khéo léo các phương tiện để xiển dương Phật pháp đến với mọi ngõ ngách trong xã hội. Hơn thế nữa, phát huy trọn vẹn công năng dùng Phật pháp để tịnh hóa nhân tâm và thanh lọc xã hội, cống hiến một phần sức vào công cuộc xây dựng xã hội hòa bình và an yên.

Nguyện cho những ai hữu duyên đều được kết duyên với tặng phẩm này. Để ứng dụng thật tốt vào đời sống tu tập hằng ngày và chuẩn bị hành trang cho một tương lai an lạc hạnh phúc”.

Bộ sách gồm 3 quyển chứa đựng đầy đủ các vấn đề cơ bản nhất về Phật giáo!

Công ty cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!

Thông tin về cuốn sách:

Tên sáchPhật học căn bản
Tác giảAri Ubeysekara
Dịch giảThủy Nguyễn
Hiệu đínhThích Quảng Lâm
Giá trọn bộ1.050.000đ
Nhà xuất bảnTôn Giáo

 

Sản phẩm đã xem

HỎI ĐÁP - BÌNH LUẬN