[ThaiHaBooks] Tiến sĩ, bác sĩ tâm thần, nhà nghiên cứu nhận thức và giảng viên tâm linh nổi tiếng người Mỹ, ông David R.Hawkins (1927–2012), đã chứng minh được mối liên hệ mật thiết giữa bệnh tật của con người và những suy giảm năng lượng trong cơ thể, đến từ những tư tưởng tiêu cực. Kết quả nghiên cứu được ông trình bày trong cuốn sách bán chạy nhất của mình- “Power vs Force – Trường năng lượng và những yếu tố ẩn quyết định hành vi của con người”.
Theo đó, mỗi người có một tần số rung động hay mức năng lượng khác nhau tùy theo cảnh giới tinh thần của họ, nằm trong khoảng từ 1 đến 1000. Ví dụ như:
Vui vẻ, thanh tĩnh: 540
Lý tính, thấu hiểu: 400
Khoan dung độ lượng: 350
Hy vọng lạc quan: 310
Tự cao, khinh thường: 175
Căm ghét, thù hận: 150
Dục vọng, khao khát: 125
Sợ hãi, lo lắng: 100
Đau buồn, tiếc nuối: 75
Thờ ơ, tuyệt vọng: 50
Nhục nhã, hổ thẹn: 20
Ông cho biết những người không được thương yêu hay có tư tưởng tiêu cực, oán giận, chỉ trích, hận thù người khác hoặc sống ích kỷ đều có tần số rung động thấp. Trong quá trình trách móc, hận thù người khác sẽ làm tiêu hao rất nhiều năng lượng của họ và nó cũng tạo ra nhiều áp lực trên cơ thể vì thế tần số rung động sẽ giảm và những người này có nguy cơ bị mắc rất nhiều loại bệnh. Tần số rung động chính là từ trường mà mọi người thường hay nói.
Lấy ví dụ một người vô gia cư. Anh ta thường cảm thấy thất vọng, tự ti, mặc cảm, chỉ muốn buông xuôi thì tần số rung động chỉ ở mức 20. Tuy nhiên cách nhìn của người xung quanh đối với người vô gia cư này sẽ chỉ rõ tần số rung động của họ ở mức nào. Có người thì cho rằng người vô gia cư kia nghiện ngập và nếu cho tiền thì anh ta cũng đem mua rượu hay cung phụng cho cơn ghiền mà thôi. Họ nghĩ những người vô gia cư không nên tồn tại. Tư tưởng này cho thấy tần số rung động của họ cũng chỉ ở mức 20. Điều thú vị là 2 hoàn cảnh này dường như trái ngược nhau nhưng tần số rung động lại tương đương. Lại cũng có người khác muốn tránh xa người vô gia cư vì có cảm giác sợ sệt hay vô cảm thì tần số rung động cũng chỉ ở mức từ 50-100.
Từ bi, giác ngộ là cảnh giới cao
Cũng theo Tiến sĩ Hawkins, tần số rung động cao nhất mà ông đã quan sát được là 700, tần số trên 700 là những người thuộc hàng đã ở trong cảnh giới giác ngộ, tu hành đắc đạo, tràn đầy từ bi. Năng lượng của họ rất phong phú đầy đủ, khi họ xuất hiện có thể ảnh hưởng tới từ trường của vùng xung quanh.
Tiến sĩ Hawkins lấy ví dụ về nữ tu sĩ Thiên Chúa giáo Teresa. Khi bà xuất hiện trong buổi lễ trao giải Nobel Hòa Bình, bầu không khí trong toàn hội trường rất hòa ái tốt đẹp, tần số rung động cũng rất cao. Tại sao lại như vậy? Nguyên nhân vì tần số rung động của bà làm cho tất cả mọi người trong hội trường đều cảm nhận được nguồn năng lượng đó và chịu ảnh hưởng theo.
Tần số năng lượng là chìa khóa cho sức khỏe, hạnh phúc
Tiến sĩ, bác sĩ David Hawkins đã điều trị rất nhiều bệnh nhân đến từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi ngày ông đều tiếp xúc hơn một nghìn bệnh nhân, nhiều khi quá tải, ông đều phải nhờ đến vị trợ lý của mình. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần nhìn thấy bệnh nhân, ông đã biết người đó tại sao mắc bệnh, là vì ông không thể tìm thấy bất kể sự ‘yêu thương’ nào toát ra từ người đó, chỉ toàn là đau khổ và tuyệt vọng bao trùm khắp thân.
Trải qua một loạt các trường hợp thực chứng, Tiến sĩ Hawkins đúc kết ra rằng: những người bị mắc bệnh vì trong nội tâm họ có suy nghĩ tiêu cực.
Nếu tần số rung động của một người từ 200 trở lên thì người đó không mắc bệnh. Những người hay bệnh tật thường có tần số rung động thấp hơn 200. Vậy những ý niệm tiêu cực này là gì? Đó chính là những suy nghĩ thích chỉ trích người khác, khi họ chỉ trích người khác sẽ tiêu hao lượng lớn năng lượng của tự thân, do vậy tần số rung động của họ tụt xuống dưới mức 200. Những người này rất dễ mắc bệnh, mỗi người có thể mắc một loại bệnh khác nhau.
Tiến sĩ Hawkins cho biết, ông đã trải qua trên hàng chục nghìn trường hợp để kiểm chứng điều này và kết quả đều thống nhất như nhau.
Tần số rung động trong xã hội hiện đại
Tiến sĩ Hawkins cũng cung cấp những thực tế thú vị mà ít người biết về tần số rung động dưới đây:
85% dân số trên toàn thế giới có tần số rung động ở mức dưới 200.
Tần số rung động cao gắn với sự khỏe mạnh, tần số rung động thấp gây ra trạng thái ốm yếu/bệnh tật. Từng suy nghĩ, cảm xúc, lời nói, hành động, cũng như mỗi khoảnh khắc mà con người trải qua trong ngày đều đi về một trong hai hướng nêu trên.
Sách, thực phẩm, nước uống, quần áo, người, động vật, các tòa nhà, xe hơi, phim ảnh, thể thao, âm nhạc… đều có thể hiệu chỉnh tần số rung động từ thấp lên cao.Hầu hết phim ảnh sẽ làm suy yếu những người xem chúng bằng cách đưa các mức năng lượng xuống dưới 200. Những cuốn sách/tri thức mang tần số rung động cao: Kinh Vệ Đà (910), sử thi Ramayana (810), giáo lý Thiền (795), sử thi Mahabarata (780), Tâm Kinh và Kinh Pháp Hoa (cùng 780), Kinh Koran và Kinh Kim Cương (cùng 700)…
Bởi vậy xuất phát từ góc độ là một bác sĩ tâm lý, Tiến sĩ Hawkins khuyên mọi người nên có chính niệm, suy nghĩ lạc quan… Điều này rất quan trọng và có thể mang đến cho bạn những lợi ích đáng kinh ngạc.
Nhiều chuyên gia có cùng quan điểm với David R.Hawkins, là chế độ ăn kiêng và tập thể dục không phải là yếu tố quan trọng nhất để có tuổi thọ. Tiến sĩ Elizabeth Blackburn, người đoạt giải Nobel năm 2009 về sinh lý học, tổng kết các yếu tố sống thọ: Nếu bạn muốn sống hơn 100 năm, chế độ ăn uống hợp lý chiếm 25%, các yếu tố khác 25%, trong khi cân bằng tâm lý chiếm 50%.
—
Thập niên 1990, cuộc đời của David R.Hawkins đã rẽ sang một bước ngoặt không ngờ. Đáp ứng niềm mong mỏi của bạn bè và người thân yêu, những người đã nhận ra tầm quan trọng của cuốn sách này với thế giới, ông đã tự xuất bản cuốn Power vs. Force: Anatomy of Consciousness (Sức mạnh và lực: Giải phẫu ý thức) vào năm 1995. Ông phân vân khi quyết định đứng tên tác giả cho cuốn sách; thực tế, nó là tác phẩm của không chỉ bản thể cá nhân ông.
Power vs. Force đã được dịch ra 25 thứ tiếng và đã bán được trên một triệu bản. Tiếp theo đó là hơn 10 cuốn sách với hàng trăm bài giảng, các cuộc phỏng vấn truyền thanh, và công tác tổ chức Nhóm nghiên cứu Hawkins trong hầu hết các thành phố lớn trên khắp thế giới, từ Seoul tới Cape Town hay Los Angeles.
Cuốn sách này đã đem đến một bước đột phá lớn lao cho tinh thần con người, phác ra những chiều kích ý thức mà trước đây chỉ những người có khả năng thần bí mới biết tới. Những con người có thiên khiếu trực nhận Thực tại (hay cách gọi gì chăng nữa) như thế, luôn luôn khẳng định vai trò trung tâm của cái “vô hình”.
—
MỤC LỤC
Lời giới thiệu cho lần xuất bản đầu tiên
Lời tựa cho lần xuất bản đầu tiên
Lời giới thiệu cho lần xuất bản mới
Đôi dòng tự sự
Lời tựa mới
Mở đầu
PHẦN MỘT: CÔNG CỤ
Chương 1: Những tiến bộ quan trọng trong nhận thức
Chương 2: Lịch sử và phương pháp luận
Chương 3: Kết quả thử nghiệm và diễn giải
Chương 4: Các cấp độ ý thức con người
Chương 5: Phân bố xã hội của các cấp độ ý thức
Chương 6: Những chân trời mới trong nghiên cứu
Chương 7: Phân tích điểm tới hạn trong đời thường
Chương 8: Cội nguồn sức mạnh
PHẦN HAI: CÔNG VIỆC
Chương 9: Mô thức sức mạnh trong thái độ của con người
Chương 10: Sức mạnh trong chính trị
Chương 11: Sức mạnh nơi thương trường
Chương 12: Sức mạnh và thể thao
Chương 13: Sức mạnh xã hội và tinh thần nhân loại
Chương 14: Sức mạnh trong nghệ thuật
Chương 15: Thiên tài và sức mạnh sáng tạo
Chương 16: Đứng vững trước thành công
Chương 17: Sức khỏe thể chất và sức mạnh
Chương 18: Cuộc sống khỏe mạnh và quá trình bệnh tật
PHẦN BA: Ý NGHĨA
Chương 19: Cơ sở dữ liệu của ý thức
Chương 20: Quá trình tiến hóa của ý thức
Chương 21: Nghiên cứu về ý thức thuần khiết
Chương 22: Cuộc đấu tranh tâm linh
Chương 23: Tìm kiếm chân lý
Chương 24: Giải pháp
Phụ lục A: Tính điểm cho chân lý của các chương sách
Phụ lục B: Bản đồ ý thức
Phụ lục C: Cách tính điểm hiệu chỉnh cho các cấp độ ý thức
Thuật ngữ
Giới thiệu về tác giả
Tóm tắt tiểu sử tác giả
Tài liệu tham khảo
—
Trích đoạn sách:
Sức khỏe thể chất và Sức mạnh
Chúng ta khỏe mạnh hay giàu có là nhờ trí tuệ. Nhưng trí tuệ là gì? Theo nghiên cứu của chúng tôi, đó là kết quả của việc sống nhất quán với các mô thức điểm hút năng lượng cao. Mặc dù trong cuộc sống bình thường, chúng ta thấy có nhiều vùng năng lượng đan xen, trộn lẫn nhau, nhưng mô thức có sức mạnh lớn nhất sẽ thống lĩnh. Hiện tại chúng tôi đã khám phá dữ kiện đủ để đưa ra một tuyên bố cơ bản về vận động học phi tuyến và nghiên cứu điểm hút: các điểm hút tạo ra bối cảnh. Về cơ bản, điều này có nghĩa là động cơ của một người, phát sinh từ các nguyên tắc mà người đó cam kết tuân thủ, sẽ quyết định khả năng nhận thức và do đó, trao ý nghĩa cho những hành động của người đó.
Hiệu ứng của sự nhất quán với nguyên tắc thể hiện rõ nhất ở những hệ quả sinh lý. Nhất quán với những mô thức điểm hút năng lượng cao tạo ra sức khỏe; nhất quán với mô thức điểm hút năng lượng thấp tạo ra bệnh tật. Kiểu biểu hiện này cụ thể và có thể dự đoán được. Việc có thể chứng minh được rằng mô thức năng lượng cao có tính củng cố và mô thức năng lượng thấp mang tính hủy hoại qua một thử nghiệm minh họa đáp ứng tiêu chuẩn khoa học, với tỉ lệ khả năng tái lặp 100%, là một sự thực mà người đọc đến giờ đã hoàn toàn quen thuộc.
Hệ thần kinh trung ương của con người rõ ràng có khả năng tinh nhạy phân biệt mô thức củng cố sự sống và mô thức hủy hoại sự sống. Các vùng điểm hút năng lượng cao, khiến cơ thể thử mạnh, giải phóng chất endorphin trong não và có hiệu ứng tăng cường sức khỏe cho tất cả các bộ phận. Trong khi đó, các kích thích có hại lại giải phóng adrenaline, trấn áp phản ứng miễn dịch và ngay lập tức làm suy yếu một số cơ quan cụ thể, tùy vào bản chất của kích thích.
Kiểu hiện tượng này chính là cơ sở cho các phương pháp điều trị như tác động cột sống, châm cứu, bấm huyệt và nhiều phương pháp khác. Tuy nhiên, tất cả những phương pháp này đều được tạo ra nhằm điều chỉnh kết quả của một sự mất cân bằng năng lượng nào đó, nhưng, nếu không điều chỉnh tận gốc thái độ gây ra sự mất cân bằng năng lượng này thì căn bệnh có thể quay trở lại. Hàng triệu người trong các nhóm tự thân đã chứng tỏ rằng sức khỏe và sự hồi phục khỏi hầu hết các vấn đề do hành vi con người, cùng bệnh tật đi kèm, là hệ quả của việc điều chỉnh thái độ sao cho tương ứng với những mô thức điểm hút năng lượng cao.
Nói chung, thái độ tích cực có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần, trong khi bệnh tật lại gắn liền với những thái độ tiêu cực như tức giận, ghen tị, thù địch, tự ti, sợ hãi, lo âu… Trong lĩnh vực phân tâm học, thái độ tích cực được gọi là những cảm xúc có ích và thái độ tiêu cực gọi là những cảm xúc nguy cấp. Đắm chìm quá lâu trong những cảm xúc nguy cấp sẽ làm suy yếu thể chất hoặc tinh thần và sức mạnh cá nhân của con người. Làm thế nào người ta có thể vượt qua được thái độ tiêu cực để tránh bị bào mòn năng lượng và sức khỏe như thế? Quan sát lâm sàng cho thấy bệnh nhân phải đạt đến một điểm quyết định. Chân thành khát khao thay đổi cho phép người ta tìm kiếm những mô thức điểm hút năng lượng cao hơn trong những biểu hiện phong phú của chúng.
Người ta không vượt qua được thái độ bi quan khi cứ mãi hoài nghi, yếm thế; có một quan niệm phổ biến là người ta có thể nhận xét về chúng ta qua bạn bè của ta, nhận định đó không phải là không có cơ sở khoa học. Các mô thức điểm hút có xu hướng thống trị bất cứ vùng nào mà ở đó nó được tiếp nhận; do đó, điều thực sự cần làm là phải cho phép bản thân tiếp xúc với một trường năng lượng cao, rồi thái độ sẽ tự nhiên bắt đầu thay đổi. Đây là một hiện tượng nổi tiếng trong các nhóm tự thân − như được phản ánh trong câu nói: “Chỉ cần lê xác đến cuộc họp mặt.” Bạn chỉ cần cho phép mình tiếp xúc với những mô thức năng lượng cao, chúng sẽ bắt đầu “tự bén”, như người ta vẫn nói: “gần bùn thì đen, gần đèn thì rạng.”
Y học truyền thống thường tin rằng căng thẳng là nguồn cơn của nhiều chứng rối loạn và bệnh tật của con người. Chẩn đoán này có vấn đề ở chỗ nó không chỉ ra chính xác nguồn cơn gây căng thẳng. Có vẻ như nó quy trách nhiệm cho những hoàn cảnh bên ngoài, mà không nhận ra rằng mọi căng thẳng đều phát sinh từ bên trong, từ thái độ của con người. Không phải là những sự kiện cuộc sống, mà chính phản ứng của con người với chúng mới kích hoạt các triệu chứng căng thẳng. Một cuộc li dị, như đã nói, có thể đem đến nỗi đau đớn hoặc niềm thanh thản. Thử thách trong công việc có thể gây kích thích hoặc lo lắng, tùy vào việc người đó coi cấp trên của mình là một người thầy hay một tên ác ma.
Thái độ của chúng ta bắt nguồn từ quan điểm của chúng ta, quan điểm của chúng ta liên quan đến động cơ và do đó liên quan đến bối cảnh. Tùy vào cách lý giải ý nghĩa sự kiện, cùng một tình huống có thể là bi kịch hoặc có thể là điều may mắn. Xét trên phương diện sinh lý học mà nói, trong khi lựa chọn thái độ, người ta chọn giữa endorphin đồng hóa hoặc adrenaline dị hóa và hormone gây căng thẳng.
Hẳn là ngốc nghếch khi tuyên bố rằng những tác động duy nhất đối với sức khỏe là những tác động bắt nguồn từ bên trong. Những yếu tố của thế giới vật lý bên ngoài cũng có thể gia tăng hoặc làm suy yếu sức khỏe của chúng ta. Ở đây, lại một lần nữa, thử nghiệm vận động học chứng tỏ là công cụ có giá trị. Nó sẽ chỉ rõ cho bạn biết chất tổng hợp, nhựa, chất tạo màu, chất bảo quản, thuốc trừ sâu và chất tạo ngọt (đấy là tôi chỉ mới kể qua một vài thứ) sẽ khiến cơ thể suy yếu thế nào; trong khi những chất thuần tính, hữu cơ và được gia công tự nhiên có xu hướng ích lợi cho sức khỏe chúng ta. Chẳng hạn, nếu thử nghiệm với vitamin C, chúng ta sẽ nhận ra vitamin C hữu cơ tốt hơn a xít ascobic; vitamin C hữu cơ khiến bạn khỏe mạnh còn axit ascobic thì không. Trứng gà thả có nhiều dinh dưỡng hơn trứng gà nuôi nhốt và trứng gà nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Phong trào ăn sạch uống lành dường như đã đi đúng hướng.
Thật đáng tiếc, cả Hiệp hội Y tế Mỹ lẫn Hội đồng Quốc gia về Dinh dưỡng Thực phẩm (Mỹ) từ xưa đến nay chưa có tiền sử được khai sáng trong lĩnh vực dinh dưỡng. Ngày nay, cộng đồng khoa học cuối cùng cũng nhận ra rằng dinh dưỡng liên quan đến hành vi và sức khỏe, 20 năm trước, khi Linus Pauling và tôi tuyên bố trong cuốn sách Orthomolecular Psychiatry (Tâm thần học theo dinh dưỡng vi lượng) rằng dinh dưỡng tác động đến môi trường hóa học trong não bộ và mạch máu, và do đó tác động đến nhiều hành vi, cảm xúc, rối loạn tinh thần và chất hóa học trong não, phát hiện này đã làm nổ ra một cuộc tranh cãi.
Gần đây, tác giả này đã công bố một loạt bài báo, bài cuối cùng được đăng vào năm 1991, về nghiên cứu kéo dài 20 năm cho thấy chế độ hấp thụ một số vitamin nhất định có thể tránh phát triển một hội chứng rối loạn thần kinh có tên là loạn động chậm, một hội chứng bất thường diễn ra thường xuyên ở phần lớn bệnh nhân từng uống thuốc chống loạn thần trong thời gian dài.2 Trong một nghiên cứu trên 61.000 bệnh nhân được điều trị bởi 100 bác sĩ khác nhau trong 20 năm, việc sử dụng vitamin B3, C, E, và B6 đã làm giảm tỷ lệ bệnh nhân mắc chứng rối loạn thần kinh khủng khiếp này từ 25% xuống còn 0,04%.3 (Trong số 61.000 bệnh nhân được bảo vệ bằng liệu pháp dùng vitamin liều cao, chỉ có 37, thay vì 20.000 bệnh nhân như dự đoán, mắc chứng rối loạn này.)
Ở Mỹ, bài báo này gần như là bị lờ đi vì vẫn chưa có một mô hình nào chứng minh cho độ tin cậy của nó. Giới y khoa không quan tâm chẳng qua vì họ cũng chẳng thiết tha gì với vấn đề dinh dưỡng, và các ban bệ y tế vốn không thiết tha gì với những cải cách mới mẻ. Bạn nên nhớ rằng một trong những nhược điểm trong bản chất con người là cố thủ bảo vệ một quan điểm lâu đời mặc cho vô vàn bằng chứng chống lại nó; chẳng còn cách đối xử nào khác với sự hờ hững, không công nhận này ngoài việc chấp nhận nó. Một khi đã thật hiểu bản chất con người, chúng ta sẽ thấy cảm thông với chính những điều mà có thể trước đây ta đã chỉ trích. Cảm thông là một trong những mô thức điểm hút năng lượng cao nhất. Như chúng ta sẽ thấy, khả năng thấu hiểu, tha thứ và chấp nhận có liên quan trực tiếp đến sức khỏe cá nhân của chúng ta.
Công ty CP Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!