[ThaiHaBooks] Từ năm 1996 đến 2016, Heidemarie Schwermer sống mà không dùng đến tiền. Trước đây Shwermer từng là một giáo viên, bác sĩ tâm lý, rời khỏi cấu trúc xã hội hiện đại và dần dần sống với một sự tự do mới. Quyển sách này của bà không chỉ mô tả một cuộc đời tận hiến mà bà đã đã sống một cách mãnh liệt, nó còn gợi lên một sự suy ngẫm về các hệ giá trị của chúng ta và khích lệ thái độ dám đương đầu với những khuôn mẫu cũ mòn, để rồi từ đó bằng sự chung sức của xã hội hình thành lối sống ý nghĩa hơn, trọn vẹn hơn.
Cuốn sách được dịch sang tiếng Ý năm 2008 và bà đã nhận Giải thưởng Hòa Bình Tiziano Terzani.
Heidemarie Schwermer (1942-2016) sinh ra ở vùng lãnh thổ Memel phía Đông Phổ. Năm bà 2 tuổi gia đình bà phải di tản sang phía Tây vì chiến tranh. Bà theo học nghề Sư phạm, giảng dạy tại một trường tiểu học và trung học cơ sở tại Kiel và do không thực hiện được những ý tưởng sự phạm bà đã bỏ nghề này. Năm 1982 bà chuyển tới Luneburg, ở đó bà học tâm lý học và xã hội học, trở thành bác sĩ liệu pháp tâm gestalt và mở một phòng mạch riêng tại Dortmund. Năm 1994 bà mở trung tâm Cho và Nhận, 2 năm sau bà tặng đi di sản của mình., sống mà không cần tiền với nhiều từ bỏ khác cho đến cuối đời.
Trích đoạn sách:
Ý tưởng được lan truyền
Vào một buổi sáng, tôi nghe trên đài bản tin về một câu lạc bộ trao đổi tại một ngôi làng ở Canada. Câu lạc bộ này ra đời sau khi nhà máy duy nhất tại địa phương mang lại việc làm cho hầu như tất cả các gia đình bị vỡ nợ. Để đảm bảo cuộc sống, người dân nơi đây đã tập họp lại và phát triển mô hình này, dù đơn giản nhưng có vẻ nó đã phát huy được hiệu quả: Mỗi người đưa những khả năng riêng của mình vào một “cái bình” tưởng tượng để tất cả những người khác có thể sử dụng. Theo phương châm “ai cũng có thể làm một việc gì đó mà không phải ai cũng làm được”, một loạt những “sản phẩm” đa dạng xuất hiện: làm mộc, làm vườn, xây dựng, tẩm quất, cắt tóc, làm bánh, trông trẻ, sửa chữa ô tô – tất cả những gì ở trong “bình” được tập hợp lại và phân chia. Ai muốn lấy một những “sản phẩm” được chào hàng thì phải đăng ký tại điểm tập kết chung. Không được thanh toán bằng tiền như thông thường mà các “khoản nợ” của mỗi người sẽ được cân đối bằng “số dư” của họ từ việc đóng góp khả năng của cá nhân họ
Bản tin cũng đưa ra một số ví dụ để làm rõ nguyên tắc hoạt động: Một người đàn ông sửa ô tô cho chị hàng xóm. Khi làm việc đó, anh ta nhận được năm tiếng đồng hồ vào tài khoản “Có” của mình. Khi anh ta, ví dụ như, muốn tu sửa căn hộ của mình, anh ta sẽ nhận sự giúp đỡ từ những người có thể dán giấy dán tường, trải thảm, v.v.. Qua đó số dư của anh ta giảm đi. Trong khi đó chị, hàng xóm có ô tô lại giảm tài khoản “Nợ” bằng cách trông trẻ cho những người khác cùng làng.
Ngay lập tức cách làm trên hấp dẫn tôi. Bởi vì, bên cạnh thực tế là ở đây, những điều cần thiết cho cuộc sống có thể được thực hiện mà không cần đến chi phí tài chính, tôi còn nhận thấy rằng một mô hình ra đời do tình cảnh khó khăn đã đột nhiên tạo nên một lối sống nương tựa vào nhau. Lượng thời gian trước đây được dùng cho công việc đều đều trong nhà máy bây giờ được dùng cho mối quan hệ với những người khác cùng làng. Một mũi tên trúng hai đích, tôi nghĩ thế và lấy làm thích thú. Đó có thể là giải pháp mà tôi đã tìm kiếm rất lâu rồi. Một cơ hội khả thi để tìm kiếm một giải pháp nhân văn cho vấn đề nghèo khổ và cô lập.
Tôi hào hứng kể cho mấy cô bạn về mô hình bên Canada, họ cũng hào hứng chẳng kém gì tôi về ý tưởng xoay sở sống mà không cần đến tiền. Đương nhiên một vài người phản bác rằng có lẽ mô hình đó chỉ có thể áp dụng ở nông thôn, nơi mọi người dù thế nào đi nữa cũng biết nhau rõ hơn so với ở những thành phố lớn. Có thể họ có lý, nhưng sự hoài nghi của họ không ngăn cản được tôi bắt đầu lên kế hoạch thành lập câu lạc bộ trao đổi. Đầu tiên, ít ra là theo cách hiểu của tôi, phải thu hút sự chú ý của cộng đồng đối với kế hoạch của tôi. Vì thế tôi viết thông cáo báo chí với nội dung đại thể như sau:
“Trong xã hội chúng ta một sự mất cân bằng lớn đang tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ nếu theo dõi thị trường lao động, chúng ta sẽ nhận thấy là một mặt, nhiều người bị quá tải công việc và hoàn toàn kiệt sức, còn mặt khác, nhiều người thất nghiệp lại phải chật vật lắm mới sống được qua ngày. Cả hai nhóm đều đang không hạnh phúc. Nhóm này trở nên cô đơn, vì họ không còn sức lực dành cho hoạt động nào khác ngoài công việc, nhóm kia tự cô lập hóa, vì họ cảm thấy vô dụng, vô ích và không ai cần đến họ. Hai nhóm này có thể bù trừ cho nhau. Nếu nhóm có sẵn thời gian chia sẻ với nhóm không có thời gian thì cả hai nhóm đều có lợi. Tôi muốn sử dụng thời gian rảnh rỗi cho việc thành lập một câu lạc bộ trao đổi, trong đó các khả năng, các dịch vụ và những đồ vật có ích có thể được chia sẻ và được trao đổi mà không cần đến vai trò của tiền. Bằng cách này mọi người đều có khả năng có được thứ họ cần, sự chênh lệch giữa giàu và nghèo được xóa bỏ và đạt tới một hình thức mới của sự chung sức xã hội. Vì trong thời đại của chúng ta, sự cân bằng giữa cho và nhận bị phá vỡ nên tôi gọi câu lạc bộ trao đổi là Trung tâm Cho và Nhận”.
Với văn bản này, tôi chạy đến tòa soạn các tờ nhật báo tại Dortmund, khuấy động sự quan tâm, và ngay ngày hôm sau, các bài báo viết về kế hoạch trên – kèm theo ảnh của tôi – xuất hiện khắp nơi.
Trong khi nghiền ngẫm về việc thực hiện kế hoạch của mình, tôi sực nhớ tới những trung tâm đi chung xe có mặt ở tất cả các thành phố từ nhiều năm nay. Thực ra cũng là nguyên lý đó: Với ít tiền, những người không thể hoặc không muốn tự đi sẽ mua cho mình thời gian của một chuyến đi trong một chiếc xe lạ, khi đó chủ nhân chiếc xe đương nhiên nhận lại: thứ nhất là một phần của chi phí cho xăng dầu và thứ hai là một bạn đồng hành để hàn huyên. Thêm nữa, chiếc ô tô được tận dụng về phương diện kinh tế và môi trường vì nó không chỉ đưa một mà hai, ba hoặc bốn người đến đích với mức tiêu thụ xăng dầu không thay đổi mấy. Những trung tâm đi chung xe được tận dụng tối đa, một số chủ xe ô tô thích yếu tố vui vẻ, những chủ xe khác lại thích cơ hội được san sẻ chi phí xăng dầu.
Dù thế nào đi nữa thì những trung tâm này cũng phù hợp với ý tưởng của tôi. Tạo ra những sự chia sẻ, những mối quan hệ; tận dụng các nguồn lực một cách có ích. Trên cả nước, các trung tâm đi chung xe đang trở nên thịnh hành, tôi hình dung rằng những “Trung tâm Cho và Nhận” cũng sẽ trở nên phổ biến như thế. Đương nhiên tôi không dự định thu lợi từ đó. Tôi chỉ muốn đề xướng, khởi động toàn bộ công việc và sau đó rút lui để tìm kiếm những sứ mệnh mới. Nhưng đáng ra phải làm khác.
Sự bắt đầu của “Cho và Nhận”
Sau khi các bài báo viết về tôi xuất hiện, nhiều khách hàng tiềm năng đã đăng ký với tôi, và tôi lập cho mỗi người một phiếu theo dõi. Tôi cố tình từ chối những thông tin cá nhân như nghề nghiệp, tuổi tác và những thứ tương tự khác. Mọi người nên được phân loại, mỗi người cần tự quyết định theo sở thích, khả năng và nhu cầu về những công việc mà anh ta đăng ký và những dịch vụ được chào hàng mà anh ta muốn nhận. Điều này quả thực là nói dễ hơn làm.
Những cuộc gọi điện thoại đầu tiên là của những bà nội trợ, những người có sẵn nhiều thời gian sau khi con cái họ đã khôn lớn. Họ thích cho nhiều hơn nhận. Phần lớn họ muốn chăm sóc người ốm, dành thời gian cho người khác, những điều cả đời họ đã quen thuộc. Nhiều người thấy đề nghị của tôi về việc họ cũng cần nghĩ tới việc nhận là phiền hà. Việc nhận không thích hợp với quan niệm sống của họ. Nhưng tôi không nhân nhượng, sự hy sinh của những phụ nữ bị buồn chán ấy đối với tôi không quan trọng, mà phải là sự trao đổi thực sự, là sự cân bằng trong những mối quan hệ “cho và nhận”.
Vì thế tôi luôn lôi kéo những người đăng ký vào các cuộc thảo luận về khái niệm “tình nguyện”, về sự đánh giá bất công đối với công việc của những người nội trợ, nó vừa không được coi là nghề nghiệp vừa hầu như luôn luôn không được trả công, về những khó khăn của phụ nữ trong đời sống sự nghiệp. Kết quả là cuối cùng thì những khách hàng lưỡng lự cũng tỏ ý sẵn sàng đăng ký một hoặc hai dịch vụ ở bên “nhận”. Chủ yếu là các công việc thủ công hoặc hỗ trợ làm vườn.
Việc phải rất vất vả thuyết phục những người phụ nữ này nhận các dịch vụ được chào hàng khiến tôi rất bối rối. Thành thực mà nói thì tôi đã nghĩ mình sẽ phải ngăn mọi người nhận quá mức và thúc đẩy họ cho nhiều hơn. Vấn đề phức tạp đó kéo dài trong nhiều năm liền. Ở nhà thờ mọi người đã được dạy rằng cho hạnh phúc hơn nhận, và ngay cả trong việc sử dụng ngôn ngữ thông thường thì từ “lấy” cũng gần với các khái niệm “ăn cắp” hoặc “ăn cướp”. Dù thế nào đi nữa thì có vẻ như không ai muốn dính dáng đến điều đó.
Nhưng với tôi, việc sử dụng cả hai khái niệm cho và nhận ngang nhau là rất quan trọng. Chỉ có như thế phong trào mới có thể đi vào câu lạc bộ trao đổi. Thành thử bất chấp mọi trải nghiệm làm nản chí, tôi vẫn kiên định với xuất phát điểm của mình: Bất cứ ai muốn tham gia đều phải tự quyết định họ muốn cho thứ gì và nhận thứ. Nguyện vọng riêng của mỗi người được ghi vào các phiếu theo dõi, và thời gian đầu tôi lãnh trách nhiệm làm trung gian kết nối các khách hàng với nhau. Và nhiệm vụ đó sớm tỏ ra rất phức tạp.
Vì còn chưa có nhiều người thực sự cần giúp đỡ đăng ký nên tôi kết nối những người có hoàn cảnh tương tự nhau. Ví dụ, có hai bà góa về hưu đã gọi điện kể riêng cho tôi là họ cảm thấy cô đơn và trống vắng sau khi chồng họ qua đời.
Một bà bày tỏ mong muốn được thực hiện một chuyến tham quan thành phố vào cuối tuần. Nhưng bà ấy không muốn đi một mình! Vài ngày trước đó bà kia cũng bày tỏ nguyện vọng hoàn toàn tương tự. Thế là tôi đưa cho họ số điện thoại của nhau, với đề nghị sau khi liên lạc được với nhau thì họ báo lại cho tôi. Suốt hai tuần liền tôi không nhận được tin tức gì từ cả hai bà, cuối cùng, khi tôi gọi điện cho một bà, tôi đã phải nghe đầy tai những điều khó chịu từ bà “khách hàng” bất mãn. Họ đã cãi nhau ngay khi gọi điện cho nhau, bà kia chỉ muốn dạy dỗ bà này, và giờ đây bà ấy chỉ muốn dừng tham gia dự án. Có lẽ là việc “cho và nhận” không phù hợp với bà. Mặc dù cuối cùng tôi cũng thuyết phục bà ở lại, nhưng bà đã làm tôi nghĩ ngợi rất nhiều. Rõ ràng là cách thức này không thể áp dụng cho những người không quen biết nhau, có lẽ cần phải mời các “thành viên câu lạc bộ trao đổi” gặp gỡ làm quen.
Hai tháng sau việc đó được tiến hành. Tôi mượn được một tòa nhà gần nơi tôi sống. Nó cần được cải tạo một chút nhưng chúng tôi được phép hội họp ở đó bất kỳ lúc nào mà không mất tiền thuê nhà, miễn là chúng tôi giúp đỡ chủ nhà trong việc sửa chữa, một đội mười người đã được tập hợp ngay lập tức.
Ngay từ đầu tôi đã đặt ra những khoảng thời gian cố định mà mọi người có thể gọi điện thoại cho tôi. Thứ Hai từ 18 đến 20 giờ. Thứ Năm từ 10 đến 12 giờ và thứ Sáu từ 15 đến 17 giờ. Giờ đây chúng tôi có một lịch họp mặt đều đặn vào buổi tối: Mỗi thứ Ba đầu tiên trong tháng, các thành viên Câu lạc bộ trao đổi họp từ 20 đến 22 giờ. Và hóa ra, các buổi gặp đó lại rất sôi nổi, vì từ lâu đã có rất nhiều ý kiến bất đồng giữa 70 thành viên.
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!