[Thaihabooks] Cả ba nền văn hóa Nhật Bản, Singapore và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc. Đây là một điều hiển nhiên bởi tổ tiên của người Singapore gốc Hoa sinh ra ở Trung Quốc (Nơi sinh của những người này bao gồm cả Hong Kong, Macao, và Đài Loan). Phúc Kiến là nhóm lớn nhất, Triều Châu là nhóm lớn thứ nhì và người vùng Quảng Đông là nhóm lớn thứ ba trong số các nhóm sắc dân Singapore gốc Hoa theo thống kê năm 2000.
Miền Bắc Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc, đã chịu ách đô hộ của phương Bắc chừng một nghìn năm. Vào năm 939, Việt Nam mới giành được độc lập từ Trung Hoa cổ. Tuy thế, hệ quả của việc bị đô hộ lâu dài là xã hội miền Bắc Việt Nam chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc. Nếu có dịp tới thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám (trường đại học lâu đời nhất Việt Nam) được thành lập năm 1076 tại Hà Nội, bạn sẽ hiểu rằng Việt Nam (cổ) đã du nhập và áp dụng hệ thống hành chính của Trung Hoa cổ (quan lại được chọn thông qua các kỳ thi) và Khổng giáo là một học thuyết chính thống được ứng dụng trong đời sống và xã hội (Nhà xuất bản Thế giới, 1995: 53). Nhật Bản học hỏi rất nhiều yếu tố văn hóa từ Trung Hoa. Nhật Bản cổ đại vay mượn Hán ngữ, các nguyên tắc Âm-Dương, Thiên văn học… Tương tự, sách vở Khổng giáo và các pho tượng Phật được du nhập từ Trung Quốc. Mặc dù chính sách bế quan tỏa cảng được áp dụng trong thời kỳ Tướng quân Tokugawa, nhưng những chuyến tàu của Trung Quốc vẫn được phép ghé tới vùng Nagasaki (các tàu của Hà Lan cũng được phép). Khổng giáo quy định các nguyên tắc đạo đức trong suốt thời kỳ Edo.
Nhật Bản trao đổi với cả Singapore lẫn Việt Nam và đã từng xâm lược các nước này. Tôi đã tới Hội An, một thị xã xinh đẹp ở miền Trung Việt Nam vào tháng 8 năm 1999. Nơi đây đã từng là một trung tâm thương mại quốc tế ở miền Trung nam Việt Nam vào thế kỷ thứ XVI, XVII. Cây cầu mang dáng dấp Nhật Bản được xây dựng vào thế kỷ XVII vẫn còn tồn tại, nhìn ra khu vực nơi từng có chừng 1000 người Nhật sinh sống. Các tàu buôn Nhật Bản tới đây để nhập gỗ hương, lụa, đường và bán đồng. Tuy nhiên, người Nhật phải sớm chấm dứt việc buôn bán vì chính sách bế quan tỏa cảng của Việt Nam. Vào thế kỷ XIX, Hội An không còn là một thương cảng quốc tế sầm uất nữa.
Những cô gái Nhật trẻ tuổi, đặc biệt là ở khu vực Shimabara và Amakusa, đã trở thành karayuki-san (gái bán dâm – cách gọi ở Đông Nam Á) trong thời kỳ Minh Trị. Những nhà thổ nơi họ làm việc được xây dựng trên phố Middle Road của Singapore. Số lượng gái làng chơi tăng kéo theo sự tập trung của các cửa hiệu bán đồ Nhật Bản, ví dụ như các cửa hiệu bán vải và tiệm làm đẹp. Vì thế một khu phố Nhật Bản hình thành ở Middle Road. Karayuki-san đã thiết lập cơ sở nền tảng của việc trao đổi giữa Nhật Bản và Singapore thông qua chính cơ thể, mồ hôi, nụ cười và cả nước mắt của những con người này. Tuy nhiên, hoạt động trao đổi này chấm dứt vào năm 1920, kết quả của việc Nhật Bản có thêm nguồn sức mạnh sau cuộc chiến tranh Nga - Nhật.
Chiến tranh thế giới thứ II đã phá bỏ các hoạt động trao đổi giữa ba nước. Cuộc chiến là nguyên nhân của những vụ thảm sát người Hoa ở Malaya và Singapore của quân đội Nhật Bản. Số người Hoa bị sát hại khoảng từ 6.000 tới 50.000 người. Trong khoảng thời gian từ 1942 đến 1945, quân đội Nhật Bản đã đánh chiếm Singapore và đặt tên cho nó là Shonanto. Shonanto được điều hành theo kiểu Nhật Bản trong giai đoạn này.
Tương tự, quân đội Nhật Bản cũng tiến vào bán đảo Đông Dương. Người dân ở đây chịu hai ách đô hộ của người Pháp và người Nhật.
Tuy thế, nếu đánh giá chủ nghĩa thực dân của nền quân chủ Nhật Bản là tiêu cực thì khá phiến diện bởi một trường y (Trường Syonan Ikadaigaku) đã được mở trong thời gian quân Nhật chiếm đóng Singapore vào 27 tháng 4 năm 1943, dù sau đó nó được chuyển tới Malacca vào năm 1944. Năm 1947, trường này đã được kỳ vọng sẽ có những sinh viên y đầu tiên tốt nghiệp và phục vụ cộng đồng.
Mười hai thực tập sinh được phép phục vụ tại hai bệnh viện cho tới năm 1946 dù lương tháng của họ bị cắt giảm do chính quyền Anh không chấp nhận bằng cấp được cấp dưới thời chính quyền Nhật Bản cai trị (Wilson, 1978: 108).Ngày nay, nhiều người Nhật tới thăm và sống tại Singapore và Việt Nam. Các công ty Nhật Bản cũng tới kinh doanh, đặt cơ sở tại hai đất nước này. Chiếc máy tính mà tôi đang dùng có ghi chữ “Sản xuất tại Singapore”. Nước Nhật đang bước vào giai đoạn bùng nổ người Việt. Rất nhiều nhà hàng bán thức ăn Việt Nam làm ăn phát đạt và một số nữ sinh viên đã mặc áo dài trong những bữa tiệc cảm ơn các giáo viên của mình. Bia Tiger, nhãn hiệu bia nổi tiếng, đại diện cho bia Singapore.
Tiger Beer đã đặt nhà máy ở Hà Tây, Việt Nam và đã trở thành một loại bia nổi tiếng của Việt Nam tại đất nước này, tương tự bia 333. Mối quan hệ hợp tác giữa Singapore và Việt Nam đã có lịch sử tới 30 năm. Singapore là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam (Viet Nam News, ngày 11/8/2003).
Vì thế, việc so sánh giữa Nhật Bản, Singapore và Việt Nam là tối cần thiết để hiểu về những xã hội châu Á chịu ảnh hưởng của Khổng giáo đồng thời xem xét tương lai phát triển của ba nước trên. Cuốn sách này gồm hai nội dung chính: Đầu tiên, giới thiệu về xã hội Nhật Bản; thứ hai là so sánh Nhật Bản với hai nước còn lại hoặc so sánh cả ba nước với nhau.
Mục lục
Lời mở đầu
Lời cảm ơn
1. Giới thiệu: Nhật Bản, Singapore và Việt Nam
Phần I: Nhật Bản
2. Lịch sử hiện đại về lối sống ở Nhật Bản
3. Tokyo so với Nhật Bản ở địa phương
Phần II: Thành phố và hệ thống giao thông
4. Quy hoạch đô thị: Yokohama và Singapore những năm 1990
5. Sự hỗn độn trong giao thông đô thị ở Việt Nam
Phần III: Thanh niên và người cao tuổi
6. Thế hệ trẻ Nhật Bản, Singapore và Việt Nam
7. Phụng dưỡng cha mẹ già: giá trị của thanh niên Nhật Bản, Singapore, Việt Nam
8. Sự gia tăng của xu hướng già hóa dân số: Singapore so với Yokohama
Phần IV: Triển vọng tương lai
9. Quy hoạch xã hội phục vụ cho cuộc sống hằng ngày
Phụ lục: Hiểu về Shitamachi ở Yokohama
Tài liệu tham khảo
Thông tin tác giả:
Kazutaka Hashimoto tốt nghiệp Đại học Hosei, sau đó lấy bằng Tiến sĩ Đại học Nagoya.
Ông từng làm việc tại Trung tâm Thông tin Người tiêu dùng Quốc gia tại Đại học Fukushima. Hiện nay ông là người đứng đầu các chương trình đào tạo xã hội học và là Giáo sư tại Khoa Xã hội học Ứng dụng của Đại học Kanto Gakuin. Năm 1999, ông là giảng viên thỉnh giảng tại Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia tại Hà Nội, Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách và bài viết nghiên cứu xã hội học về xã hội Nhật Bản.
Công ty CP Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!