Chào mừng bạn đã đến với Thái Hà Books!

NGHIỆP

23/04/2019 NGHIỆP

[ThaiHaBooks] Sướng và khổ lưu xuất từ những hành động quá khứ của chúng ta. Để định nghĩa nghiệp (karma) trong vài chữ, người ta có thể nói: Nếu làm tốt, tất cả sẽ tốt; nếu làm xấu, tất cả sẽ xấu.

Nghiệp có nghĩa là “hành động”. Nó hoạt động theo ba mặt: thân, khẩu và ý. Nó sản sinh ra ba loại hậu quả: xấu, không xấu và trung tính; và diễn ra trong hai thời: Trước tiên người ta nghĩ đến điều sắp làm, đó là hành động ý định, rồi những động lực tâm thức hiện thực thành một hành vi thân xác hay lời nói, đó là hành động cố ý.

Ví dụ, trong lúc này, khi phát biểu với một ý định nào đó, tôi hoàn thành một hành động thuộc về lời nói, vậy thì tôi cất chứa nghiệp. Với những cử chỉ của hai tay tôi, tôi làm sinh ra nghiệp về thân xác. Tính chất tích cực hay tiêu cực của những hoạt động này tùy thuộc động lực kích động tôi. Nếu động lực là trong sạch, nghĩa là nếu tôi nói với các bạn với sự thành thật, tôn trọng, trong một tinh thần vị tha, thì những hành vi của tôi sẽ tốt. Nếu tôi bị thúc đẩy bởi kiêu căng, thù hận, nói ác… những hành động thân và lời của tôi sẽ trở nên không tốt.

Những hành vi thường xuyên được sản sinh ra như vậy. Khi lời nói là sự biểu lộ của những động lực tốt đẹp, một không khí thân ái được thiết lập, nhưng vượt qua khỏi kết quả tức thời này, hành động để lại một dấu vết trong tâm thức diễn giả, dẫn khởi những hậu quả vui sướng trong tương lai. Nếu những lời nói của diễn giả che giấu một hậu ý gây tác hại, một không khí thù nghịch được thiết lập tức thì, với những hậu quả buồn thảm mai sau.

Khi Đức Phật dạy rằng người ta là chủ nhân của chính mình, rằng tất cả tùy thuộc vào mình, có nghĩa là sung sướng và khổ sở đến từ những hành vi tốt và không tốt, rằng chúng hun đúc thành không phải từ bên ngoài mà ở nơi sâu xa nhất của chính mình. Cái nhìn này cho một cảnh trạng thực tiễn trong việc hằng ngày: Khi tương quan giữa nhân và quả được thiết lập, người ta không cần một ông cảnh sát nào để bắt buộc chúng ta phải cẩn trọng, lương tri sẽ thay thế chỗ ấy. Ví dụ, hãy giả thiết ở đây có một mớ tiền hay một viên ngọc quý và không có ai cả ở chung quanh, các bạn có thể dễ dàng chiếm lấy nó. Nhưng nếu các bạn biết rằng toàn bộ trách nhiệm về tương lai của các bạn đang nằm trong tay của các bạn, các bạn sẽ không làm thế.

Trong xã hội hiện đại, mặc dù những hệ thống cảnh sát rất phức tạp và kỹ thuật chúng ta rất cao, những hành vi khủng bố vẫn xảy ra. Một mặt, những người này dùng những phương tiện an ninh tối tân nhất để làm thất bại những kẻ mà ở mặt kia lại trở nên còn sáng tạo hơn trong việc thực hiện những trọng tội của họ. Người gìn giữ hòa bình thực sự duy nhất là nơi chính mình. Chính đó là “người canh đêm” ý thức về trách nhiệm của mình trong cái liên hệ đến tương lai của nó và nó quên chính mình cho hạnh phúc của tất cả.

Về phương diện thực hành, sự kiểm soát tốt nhất tội phạm là sự kiểm soát mà mỗi người thi hành trên chính mình. Sự thay đổi bên trong là cái có thể chấm dứt cho sự phạm tội và thiết lập hòa bình xã hội, nhưng nó đòi hỏi tự hiểu biết chính mình. Lý thuyết Phật giáo về sự tự trách nhiệm là đặc biệt thích đáng; nó dẫn đến tự hỏi và tự chế phục đồng thời trong lợi ích của riêng mình và trong lợi ích của người khác.

Về những hệ quả khác nhau của hành động, chúng cũng cần được nghiên cứu sâu. Một trong số đó được gọi là “quả của sự kết trái”. Giả thử, sau một hành vi xấu, một người nào đó chuyển đến trong một hóa thân xấu, dưới hình thức thú vật chẳng hạn; sự tái sinh này là một kết quả của sự kết trái mà nguyên nhân ngược về một đời nào trước đó. Cũng có cái mà người ta gọi là “kinh nghiệm về quả tương tự với nhân”. Đây là một trường hợp: Hãy tưởng tượng rằng, sau khi di chuyển vào một tái sinh không may mắn sau một tội lỗi, các bạn tái sinh làm người, cuộc đời của các bạn sẽ ngắn ngủi: quả (một cuộc đời ngắn ngủi) với tư cách là cái được kinh nghiệm, tương tự với nhân (sự kiện đã rút ngắn cuộc đời người khác). Cũng có một hiện tượng gọi là “quả của sự hồi sinh bị điều kiện hóa” để có thể làm sáng tỏ sự kiện tự nhiên có khuynh hướng làm lại cùng loại hành động xấu như giết chẳng hạn.

Những ví dụ này cũng áp dụng – trong những hậu quả ngược lại – cho kết quả của những hành vi tốt. Còn phải kể đến những hành động tập thể, mà những hệ quả của chúng được mọi thành viên kinh nghiệm. Trong trường hợp này, toàn bộ những cá nhân có thể cùng được chuyển sinh để chia sẻ với nhau cùng một môi trường, cảnh giới nào đó.

Nhưng, tựu trung, mọi chỉ dẫn này về nhân quả của hành vi chỉ có ích lợi trong mức độ chúng góp phần vào việc cải thiện đời sống xã hội. Dù chúng ta là tín đồ hay không, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ cố gắng nghiên cứu những văn hóa riêng khác của chúng ta để đem những gì có thể lợi lạc cho tất cả làm của chung.

—- Bài giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma tại trường Đại học Brown, Providence, Rhode Island, được ghi chép bởi  Jeffrey Hopkins trong cuốn sách “Con đường giác ngộ : Trí huệ và đại bi”—-

(Nha Nha tổng hợp)

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan
Cảm nhận về cuốn sách “Từ giờ ta hãy là một người Hạnh Phúc”

Cảm nhận về cuốn sách “Từ giờ ta hãy là một người Hạnh Phúc”

16/01/2019

[ThaiHaBooks] “Từ giờ ta hãy là một người Hạnh Phúc” là một cuốn sách của Đại sư Pomnyun Sunim – Người được bình chọn là nhà sư được tôn kính...

Tổng hợp sách về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Tổng hợp sách về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

05/09/2019

4.0 – Thời đại mà mỗi ngày hàng loạt công nghệ mới ra đời đủ khiến thế giới giật mình như xem những thước phim khoa học viễn tưởng. Suốt...

Thuật “chữa trị năng lượng” với quan điểm gây giật mình: Trải nghiệm tiêu cực như vết dao đâm, để lại “tâm bệnh” gây khổ não mãi về sau!

Thuật “chữa trị năng lượng” với quan điểm gây giật mình: Trải nghiệm tiêu cực như vết dao đâm, để lại “tâm bệnh” gây khổ não mãi về sau!

14/05/2020

Cứ mỗi 6 giờ chiều ngày chủ nhật, hàng tá người lại đổ về một trung tâm chữa trị tại vùng East End nước Mỹ để tham gia thiền định....

Nhẹ bẫng – Chạm tới cuộc sống bằng cách nhẹ nhàng nhất

Nhẹ bẫng – Chạm tới cuộc sống bằng cách nhẹ nhàng nhất

17/05/2021

[ThaiHaBooks] Nhẹ bẫng là một cuốn cẩm nang dành cho những người muốn áp dụng lối sống tối giản từ những cách thức đơn giản nhất.  Với 4 phần: "Nhẹ...